Các cấp uỷ, chính quyền các cấp thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành triển khai dồn điền, đổi thửa, tạo sự tin tưởng, đồng thuận lớn với người dân. Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hoá tập trung, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Quy hoạch phát triển một số cây trồng chính của tỉnh, trong đó tập trung vào một số cây trồng chủ lực, có thế mạnh như cây ăn quả, cây mía, cây rau. Xây dựng bản đồ thổ nhưỡng và phân hạng thích nghi đất sản xuất nông nghiệp. Các cấp, ngành chủ động tham mưu triển khai thực hiện theo nhiệm vụ lĩnh vực được giao.
Tỉnh xác định được những cây trồng chủ lực để phát triển vùng sản xuất hàng hoá, được cấp mã số vùng trồng, đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm phục vụ tiêu thụ trong nước và bước đẫu đã xuất khẩu. Kinh phí để triển khai dồn điền, đổi thửa đã được quan tâm, bố trí. Luỹ kế đến nay, toàn tỉnh thực hiện dồn điền, đổi thửa được 4.407,85 ha. Trong đó, diện tích thực hiện dồn điền, đổi thửa trước khi ban hành Chỉ thị số 35-CT/TU là 2.599,42 ha; diện tích thực hiện dồn điền, đổi thửa sau khi ban hành Chỉ thị số 35-CT/TU là 1.808,43 ha. Về hình thức dồn điền, đổi thửa, diện tích dồn điền, đổi thửa 3.673,42 ha (chiếm 83,34%); diện tích dồn điền nhưng không đổi thửa 41,21 ha (chiếm 0,93%) và diện tích đổi thửa nhưng không dồn điền 673,12 ha (chiếm 15,27%). Toàn tỉnh có 69/151 xã đã thực hiện dồn điền, đổi thửa, chiếm 45,7%, cơ bản đạt yêu cầu Chỉ thị số 35-CT/TU đã đề ra là 50% số xã.
Bên cạnh đó, bước đầu khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, số thửa đất nông nghiệp bình quân/hộ đã giảm từ 37 – 50% tại các địa phương triển khai thực hiện (trung bình từ 7 – 11 thửa, cá biệt có những họ 21 thửa nay giảm còn bình quân 2,4 – 3,7 thửa và mỗi xứ đồng còn 1 – 2 thửa trên hộ sản xuất). Hình thành những thửa ruộng, những cánh đồng lớn, kết hợp xây dựng đường giao thông, kênh mương nội đồng theo quy hoạch nông thôn mới, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hoá, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thuận lợi cho việc tưới tiêu, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, giúp người dân gắn bó với đồng ruộng hơn, giảm được các chi phí phân công.
Công tác dồn điền, đổi thửa bước đầu đã thúc đẩy chuyển đổi cơ cấy cây trồng, cải tạo vườn tạp, góp phần nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác. Tạo thuận lợi cho hoạt động chứng nhận vùng sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ, cấp mã số vùng trồng, xây dựng vùng trồng đồng nhất, đảm bảo đủ điều kiện cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu. Trên địa bàn tỉnh đã có những mô hình điển hình về dồn điền, đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương thăm quan học tập, trao đổi kinh nghiệm. Lợi ích của việc dồn điền, đổi thửa được khẳng định, Nhân dân có sự đồng thuận cao. Việc quan tâm bố trí kinh phí cho công tác dồn điền, đổi thửa, đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp, kiên cố hoá kênh mương, đường nội đồng, kinh phí hỗ trợ sản xuất cùng với sự đóng góp của Nhân dân tạo động lực cho thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 35-CT/TU./.