Thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 07/11/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trong tình hình mới, thời gian qua, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện nghiêm túc công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động đã có bước chuyển biến tích cực, góp phần tạo sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.
Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết, các cấp các ngành đã triển khai thực hiện có hiệu quả các đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đột phá chiến lược đó là: Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục hoàn thiện thể chế, trọng tâm là cải cách hành chính; phát triển lĩnh nông nghiệp, nông thôn, nông dân; phát triển công nghiệp, xây dựng và các ngành dịch vụ; phát triển các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, thu hút đầu tư; phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; tăng cường chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và làm tốt công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình; phát triển văn hóa, thể thao, thông tin, truyền thông; phát triển khoa học và công nghệ; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; quan tâm giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các đối tượng chính sách, bảo đảm an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Thông qua các chương trình, dự án, chính sách của Trung ương và địa phương ban hành để thực hiện đầu tư, hỗ trợ phát triển các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh nói chung, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh nhằm mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, tạo khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thu hẹp khoảng cách chênh lệch phát triển giữa các địa phương trong tỉnh. Kết quả: Đến năm 2021, số xã thuộc diện khu vực đặc biệt khó khăn chiếm 39 %/tổng số xã phường, thị trấn trên địa bàn (giảm 29 xã so với năm 2017 theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 so với Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021). Thu nhập bình quân đầu người tại các xã đặc biệt khó khăn tính đến hết năm 2020 đạt 25,2 triệu đồng/người/năm (vượt 5,2 triệu đồng so với mục tiêu Nghị quyết); bình quân tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm khoảng 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn còn 23,12%, đạt mục tiêu Nghị quyết (bình quân mỗi năm giảm 3,96%). Hộ dân ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95,2% (theo quy chuẩn Việt Nam về sử dụng nước sạch đạt 50,1%); 138/151 xã, phường, thị trấn đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về Y tế (đạt 91%). Trong đó, có 50/59 xã đặc biệt khó khăn (vùng III) và 10/12 xã vùng II đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế; 100% hộ gia đình được xem Đài Truyền hình Việt Nam và nghe Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; 135/151 xã đã có hệ thống đài truyền thanh cấp xã. 3.595 cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn. Bên cạnh đó, các địa phương đã từng bước quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư ở các vùng có nguy cơ cao lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.
Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, ưu tiên đầu tư tại các xóm, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh được quan tâm, trong giai đoạn 2018 - 2021, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn bám sát nhiệm vụ công tác dân tộc, đặc biệt là tập trung các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các xóm, xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn là 3.965.626 triệu đồng (trong đó 02 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là 1.522.685 triệu đồng), thực hiện phân bổ vốn ưu tiên các công trình dở dang, các dự án trọng yếu, phát huy hiệu quả đầu tư phục vụ đời sống của đồng bào vùng dân tộc. Công tác đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn các xã khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn theo các Chương trình mục tiêu quốc gia được đầu tư đảm bảo các quy định của Chương trình đề ra, thiết thực phục vụ nhu cầu đời sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa.
Công tác dân tộc luôn được đổi mới cả về nội dung, hình thức, biện pháp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo những chuyển biến rõ rệt về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, người có uy tín trong cộng đồng và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tiếp tục củng cố lòng tin của Nhân dân các dân tộc với Đảng, chính quyền, giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc, tạo được các phong trào thi đua sôi nổi thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh./.