DetailController

Uỷ ban nhân dân Tỉnh

Tăng cường quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

30/12/2022 00:00
Trong 05 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tỉnh Hoà Bình đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, qua đó nhận thức và hành động về công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ từng bước được duy tu, bảo dưỡng và thường xuyên được cải tạo, nâng cấp phục vụ nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế - xã hội của Nhân dân, tình hình vi phạm quy định về hành lang an toàn đường bộ, tải trọng phương tiện giảm rõ rệt.
Những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã quan tâm nâng cấp, cải tạo và đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao tính liên kết vùng

Hiện nay, hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh gồm: 07 tuyến quốc lộ, 06 tuyến đường CT229, 21 tuyến đường tỉnh, 72 tuyến đường huyện và hệ thống đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài hơn 10.747km. Một số tuyến đường có vị trí đặc biệt quan trọng với việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương như: Đường Hòa Lạc - Hòa Bình, tuyến Quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh, tuyến QL21. Lượng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tăng nhanh trong những năm gần đây. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã đề ra nhiều giải pháp, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị triển nhiều giải pháp nhằm bảo vệ kết cấu, hạ tầng giao thông. Đặc biệt, chú trọng quan tâm, ưu tiên các khu vực trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội toàn vùng, toàn tỉnh nâng cao tính liên kết vùng. Đã triển khai xây dựng, nâng cấp, cải tạo và đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường quan trọng như tuyến: Hòa Lạc - Hòa Bình, Quốc lộ 6 (BOT), Cầu Hòa Bình 3; Cầu Hòa Bình 2; Đường nối từ Quốc lộ 6 với đường Chi Lăng; Cầu Trắng; Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 438B; Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 435; Đường Quang Tiến - Thịnh Minh... và hiện đang tiến hành các bước thực hiện một số dự án công trình giao thông trọng điểm như: Đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình (giai đoạn 2), Đường thành phố Hòa Bình - Mộc Châu; đường nối thành phố Hòa Bình - Kim Bôi; ĐT.433, ĐT.450, ĐT.436...100% các xã trên địa bàn tỉnh đều có đường xe ô tô đến tận trung tâm; khoảng 9.635km đường giao thông nông thôn, trong đó được bê tông hóa, nhựa hóa 5.830km; 100% đường tuyến huyện và 81% đường tuyến xã được cứng hóa mặt đường; 74/131 xã trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí 02 (đạt tỷ lệ 56,4%). Toàn tỉnh tập trung nguồn lực từ các chương trình dự án như Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; Đề án cứng hóa đường giao thông nông thôn, dự án giảm nghèo, dự án đa mục tiêu,... và các nguồn lực khác trong xã hội, trong nhân dân đế xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn phục vụ nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa của Nhân dân.

 

Tổ chức điều tra cơ bản, khảo sát để phát hiện các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, kiến nghị với cơ quan chức năng có thẩm quyền chỉ đạo, xử lý, khắc phục. Đã tiến hành xử lý tại 04 vị trí tiềm ẩn tai nạn giao thông với tổng mức đầu tư trên 6 tỷ đồng.  Xây dựng kế hoạch phối hợp xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Kết quả, đã phát hiện xử lý lập biên bản vi phạm hành chính đối với 457 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng.  Số trường hợp vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông giảm từ 413 trường hợp (năm 2017) còn 250 trường hợp (năm 2021); 403 trường hợp (năm 2022), không có tai nạn giao thông do phương tiện cơ giới không đủ điều kiện tham gia giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trên địa bàn tỉnh.

Điểm nổi bật trong công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ trong giai đoạn 2017-2022 là các tuyến quốc lộ và đường tỉnh đã được lựa chọn nhà thầu bằng hình thức đấu thầu trong 03 năm liên tục. Từ đó lựa chọn được các nhà thầu có đủ năng lực thực hiện có hiệu quả, chất lượng công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ. Các tuyến quốc lộ và đường tỉnh trên địa bàn về cơ bản êm thuận, an toàn, thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại cho nhân dân; không có đường bị xuống cấp, xuống loại. Từ năm 2017-2022, Sở Giao thông vận tải cấp 34 Giấy phép thi công công trình thi công trên đường bộ đang khai thác; cấp 01 Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ; cấp 39 Giấy phép thi công xây dựng công trình thiết yếu  trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đang khai thác; cấp 74 Giấy phép thi công nút giao đấu nối vào quốc lộ. Bên cạnh đó, các tuyến quốc lộ và đường tỉnh cũng thường xuyên được kiểm tra và đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa chữa định kỳ theo quy định.

Ngoài ra, hằng năm, trên địa bàn toàn tỉnh đều tổ chức các hoạt động tuyên truyền thông qua tháng hành động về thiết lập lại trật tự hành lang giao thông, chống lấn chiếm và tái lấn lòng đường, hè phố; tháng hành động về an toàn giao thông; tháng an toàn giao thông... Giai đoạn 2017-2022, ngành Giao thông vận tải phối hợp với Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức 627 buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông và các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông; phát 5.000 tờ rơi tuyên truyền. Triển khai ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh vận tải, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đối với 75 đơn vị là đầu mối nguồn hàng, kinh doanh vận tải…

Mặc dù chất lượng các tuyến đường mặc dù đã được quan tâm đầu tư nâng cấp nhưng vẫn còn nhiều hạn chế: Nhiều tuyến đường có dấu hiệu xuống cấp nhanh, mặt đường xuất hiện nhiều ổ gà, vẫn còn nhiều vị trí tiềm ẩn tai nạn giao thông do chưa bố trí được nguồn vốn. Tình trạng vi phạm quy định về hành lang an toàn giao thông còn diễn ra, tình trạng lấn chiếm hành lang họp chợ, chở quá tải trọng phương tiện, công tác bảo trì các tuyến đường giao thông nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, làm ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển bền vững kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh Hòa Bình…/.