Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt &BVTV, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 06 cơ sở sản xuất và kinh doanh giống công trồng nông nghiệp. Ngoài ra, còn có một số cơ sở sản xuất giống quy mô nông hộ và 132 cửa hàng kinh doanh giống cây trồng. Nguồn cung ứng giống khá đa dạng, phong phú từ các cơ sở sản xuất giống cây trồng trong và ngoài tỉnh. Việc sản xuất và kinh doanh giống cây trồng đã hướng tới nhu cầu thị trường. Trong quá trình sản xuất và kinh doanh, các đơn vị đã tăng cường đẩy mạnh liên kết với các viện nghiên cứu; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chú trọng công tác bảo tồn, lưu giữ giống gốc; chọn lọc, bình tuyển giống đảm bảo năng suất, chất lượng đáp ứng yêu cầu của người sản xuất. Do đó, diện tích cây trồng nông nghiệp liên tục tăng qua các năm. Đối với giống cây ăn quả có múi trong tỉnh, năm 2015, diện tích trồng mới cây có múi khoảng 2.100 ha, tương ứng nhu cầu cần ít nhất khoảng 1 triệu cây giống (bao gồm cả cây trồng xen). Với giống mía, tổng diện tích mía toàn tỉnh niên vụ 2015 – 2016 đạt trên 9.500 ha. Nguồn giống mía nguyên liệu do nhà máy đường Hòa Bình cung ứng cho nông dân; giống mía trắng do nông dân để giống hàng năm; giống mía tím phục vụ sản xuất chủ yếu do người dân tự để giống bằng phương pháp sử dụng hom mía trồng vụ trước lấy giống năm sau. Hạt giống các loại rau quả được cung ứng đa dạng về nhiều chủng loại rau quả, nhiều công ty tham gia sản xuất, phân phối. Giống cây lương thực có hạt cung cấp trên địa bàn tỉnh đa dạng, phong phú. Trong đó, lượng giống sản xuất trong tỉnh khoảng 250 tấn, chiếm khoảng 15% và nguồn giống do một số công ty khác cung ứng chiếm khoảng 85%. Công tác quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được Sở NN&PTNT thực hiện nghiêm túc, đúng pháp luật và xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về nguyên nhân của thành công cũng như bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các đại biểu đặc biệt quan tâm tới các nội dung như: phát triển cơ sở vật chất cho các đơn vị cung ứng giống hướng tới đảm bảo số lượng, chất lượng giống cây trồng; giá thành của giống cây trồng sản xuất trong tỉnh so với giống cây trồng sản xuất ngoài tỉnh; công tác đánh giá chất lượng giống cây trồng chưa đáp ứng được yêu cầu; nguồn cung ứng giống trong tỉnh còn hạn chế…
Định hướng đến năm 2020, tỉnh ta phấn đấu cung ứng giống ổn định cho diện tích cây ăn quả có múi ở khoảng 9.500 ha – 10.000 ha; diện tích mía tím khoảng 9.500 – 10.000 ha; diện tích cây lương thực có hạt dao động từ 1.500 tấn – 1.700 tấn/năm với giống lúa và 750 – 800 tấn/năm với giống ngô. Để đạt được mục tiêu này, hội nghị thống nhất với các giải pháp đề ra. Trong đó, nhấn mạnh đến các giải pháp về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất; tăng cường công tác tuyển chọn nguyên liệu giống; đào tạo đội ngũ chuyên sâu, tay nghề cao trong sản xuất giống; thực hiện quy hoạch vườn ươm, khu sản xuất hợp lý. Ngoài ra, cần thu hút, đấu thầu các đề tài nghiên cứu, dự án nhằm tăng cường nguồn vốn, đẩy mạnh cho nghiên cứu sản xuất giống nông nghiệp.