DetailController

Tin từ các đơn vị

Tăng cường quản lý nuôi cá lồng bè trên sông và hồ chứa vào mùa mưa lũ

17/06/2020 00:00
Theo kết quả quan trắc môi trường phục vụ vùng nuôi cá lồng bè trên sông, hồ chứa đầu tháng 5/2020 cho thấy, các chỉ số môi trường đều nằm trong ngưỡng cho phép, tuy nhiên ở một số vùng nuôi xuất hiện vi khuẩn Strepcoccus tổng số trong mẫu nước với mật độ 6,7 x 10 1CFU/ml, kết hợp với mưa lũ đầu mùa gây bất lợi cho thủy sản nuôi lồng bè trên sông,hồ chứa. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi thủy sản lồng, bè, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương tăng cường quản lý nuôi cá lồng, bè trên sông, hồ chứa khi mùa mưa lũ đến.
Người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tăng cường kiểm tra chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng

Đối với nuôi cá lồng, bè trên sông, hồ: Chỉ đạo cơ quan chức năng, chuyên môn của địa phương tăng cường cảnh báo môi trường, tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước ảnh hưởng đến vùng nuôi. Theo dõi chặt chẽ biến động của thời tiết và môi trường nước, khi phát hiện thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc bị chết rải rác cần hướng dẫn người nuôi các biện pháp xử lý kịp thời. Gia cố lồng nuôi vững chắc, di chuyển vào nơi neo đậu an toàn, trường hợp lồng, bè đặt thành từng cụm: các cụm lồng, bè khi đặt song song phải cách nhau tối thiểu 10m; khi đặt so le, nối tiếp cách nhau tối thiểu 200m. Định kỳ bổ sung vitamin C vào thức ăn với liều lượng từ 5-10g/kg thức ăn, cho ăn liên tục từ 5-7 ngày để tăng sức đề kháng cho cá, điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, vệ sinh lồng lưới thường xuyên để làm tăng tốc độ dòng chảy, tăng hàm lượng oxy hòa tan, giảm lượng thức ăn dư thừa trong môi trường nước. Đối với vùng hạ lưu không thả cá giống nuôi trong mùa mưa lũ từ 15/6 đến 15/9, các loài cá đang nuôi còn nhỏ chưa thu hoạch được thì chuyển về nơi an toàn để tránh lũ. (nên lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp để thả cá giống khi hết mùa lũ và thu hoạch cá thịt trước mùa lũ). Tổ chức quản lý tốt chất lượng giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong nuôi trồng thủy sản, xử lý nghiêm các trưởng hợp vi phạm theo quy định. Hướng dẫn người nuôi cá lồng, bè thực hiện đăng ký nuôi lồng bè theo Điều 36, Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019; thực hiện các quy định về nuôi cá lồng bè và nước ngọt theo Quy chuẩn Việt Nam 01-80: 2011/BNNPTNT “Cơ sở nuôi trồng thủy sản thương phẩm - Điều kiện vệ sinh thú y”; Quy chuẩn Việt Nam 02- 22:2015/BNNPTNT về “Cơ sở nuôi cá lồng/bè nước ngọt - Điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường”. Tăng cường kiểm tra chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Phối hợp với Sở nông nghiệp và các cơ quan liên quan để truy xuất nguồn gốc, xử lý nghiêm, công khai các trường hợp vi phạm theo quy định.

Đối với nuôi cá ao hồ vùng trũng thấp: Chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, cơ sở vật chất, hóa chất, nguyên nhiên vật liệu ( lưới, đăng chắn, cọc tre, cuốc xẻng, máy phát điện, mô tơ quạt nước…) để chủ động triển khai các biện pháp khắc phục khi có tình huống xấu xảy ra. Đặt lưới chắn xung quanh bờ ao ( độ cao 40 - 50 cm, ghim sâu 20- 30 cm dưới mặt đất) nhằm hạn chế cá nuôi thoát ra ngoài. Duy trì mực nước tối thiểu 1,2 m, kiểm tra tu sửa đăng, cống, đập tràn, những chỗ bờ xung yếu gia cố lại, đảm bảo mực nước trong ao cân bằng với nước bên ngoài đề phòng mưa to, nước lớn làm vỡ bờ ao. Định kỳ bón vôi cải thiện môi trường ao nuôi 2 lần/tháng với liều lượng 2-3 kg vôi/100 m3 nước, tăng cường cho cá ăn đầy đủ, đúng liều lượng với các loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao và bổ sung Vitamin tổng hợp vào thức ăn cho cá với liều 2gram/kg thức ăn và ăn liền trong 7 ngày.

Đồng thời, thường xuyên báo cáo tình hình sản xuất thuỷ sản về Ban chi huy phòng chống thiên tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.