DetailController

Khoa học - Môi trường

Tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và nông sản thực phẩm

27/09/2011 00:00

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đang được toàn xã hội quan tâm, nhất là khi các phương tiện thông tin đại chúng nêu các vụ việc sử dụng những hoá chất cấm dùng trong nuôi trồng, chế biến nông - thủy sản, thực phẩm. Việc sản xuất một số sản phẩm kém chất lượng hoặc do quy trình chế biến hoặc do nhiễm độc từ môi trường đang gây ảnh hưởng xấu đến tiêu dùng và xuất khẩu.

Nông dân xóm Khan Thượng, xã Ba Khan (Mai Châu) nhân rộng mô hình trồng su su lấy ngọn an toàn theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt.

 

Theo kết quả kiểm tra của Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), tỷ lệ mẫu thực phẩm có vi sinh vật gây bệnh và tồn dư thuốc BVTV quá giới hạn cho phép của nước ta vẫn ở mức cao so với các nước châu âu như: thủy sản gần 2%, rau từ 6 - 8%... Thực tế ở tỉnh ta cũng giống tình trạng chung của cả nước: nông sản thực phẩm, nhất là mặt hàng rau quả chưa kiểm soát hết được về mặt chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ...Việc sử dụng thuốc BVTV không theo quy định đã gây ra không ít trường hợp ngộ độc ngay khi sử dụng rau “vườn nhà”. Kiểm tra nhân Tháng hành động vì chất lượng VSATTP ở một huyện trong tỉnh từ tháng 1 - 4/2011 đã được các cơ sở y tế trong huyện ghi nhận có tới 44 ca ngộ độc thực phẩm, trong đó có 31 ca bị ngộ độc do dùng rau xanh.

 

Nông sản thực phẩm kém chất lượng không chỉ tác động xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến uy tín của ngành nông nghiệp Việt Nam. Do đó, việc quản lý chất lượng nông sản là nhiệm vụ trọng yếu của ngành nông nghiệp trong năm 2011.

 

Đã nhiều năm nay, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và chất lượng nông - lâm - thuỷ sản đã được ngành quan tâm nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của bà con nông dân và người tiêu dùng trong tỉnh. Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và chất lượng nông - lâm - thủy sản càng được tập trung quan tâm chỉ đạo hơn khi UBND tỉnh quyết định thành lập Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (trực thuộc Sở NN&PTNT).

 

 Sau một năm đi vào hoạt động, mặc dù còn gặp không ít khó khăn, thiếu thốn về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, Chi cục đã tham mưu giúp Sở NN&PTNT ban hành các loại văn bản hướng dẫn các huyện, đơn vị thuộc ngành thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và nông sản thực phẩm.

 

 Phối hợp với các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình giám sát về lĩnh vực này trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản, thu hoạch, đánh bắt, thu gom, giết mổ động vật, sơ chế, chế biến thực phẩm... cũng như coi trọng tổ chức kiểm tra chứng nhận chất lượng, ATVSTP cho các sản phẩm nông sản thực phẩm trước khi được đưa ra thị trường...

 

Phối hợp với Chi cục ATVSTP (Sở Y tế) thực hiện có kết quả các mô hình thuộc dự án bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong SX, sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm (chương trình mục tiêu quốc gia ATVSTP năm 2011) như: mô hình trồng su su lấy ngọn theo quy trình VIETGAP tại xã Ba Khan; trồng chè an toàn tại xã Pà Cò (Mai châu) và mô hình chăn nuôi vịt an toàn sinh học tại TPHB. Qua các mô hình đã góp phần quan trọng chuyển giao tiến bộ KHKT mới cho nông dân để nâng cao hiệu quả lao động SX, chất lượng nông sản thực phẩm... từng bước có sức lan tỏa tới các hộ ngoài mô hình tham gia.

 

Để quản lý chặt chẽ đầu vào của SX, chăn nuôi, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản được Sở NN&PTNT giao chủ trì tiến hành kiểm tra 2 đợt chuyên ngành vật tư nông nghiệp và nông sản thực phẩm tại 10 huyện và TPHB. Tổng số có 63 cơ sở được kiểm tra trong đó có 25 cơ sở chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật (chiếm 39,68%), 38 cơ sở vi phạm (chiếm 60,32%). Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở 20 cơ sở và chuyển hồ sơ vụ việc cho quản lý thị trường các huyện, thành phố thụ lý và xử phạt vi phạm hành chính 18 vụ với tổng số tiền phạt 19,6 triệu đồng. Đã tiến hành lấy được 30 mẫu thức ăn chăn nuôi phân tích các chỉ tiêu: chất cấm Clenbuterol, độc tố Aflatoxin (B1, B2, G1, G2) và prtinth, ẩm độ và 20 mẫu phân bón. Đối với chỉ tiêu chất lượng: 10/30 mẫu thức ăn chăn nuôi (chiếm 33,33%) của 4 CSSX và 12/20 mẫu phân bón (chiếm 60%) của 11 CSSX vi phạm về chất lượng. Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản chuyển Thanh tra Sở và QLTT xử phạt vi phạm hành chính 15 vụ với tổng số tiền 80,5 triệu đồng.

 

Kết quả trên đã góp phần  làm lành mạnh thị trường vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Công tác phổ biến, tuyên truyền các văn bản pháp luật có liên quan đến các hoạt động SX-KD vật tư nông nghiệp và chế biến nông - lâm sản bước đầu có hiệu quả. Chất lượng hàng hóa được quan tâm chú ý từ các cơ quan quản lý chuyên ngành cũng như người SX-KD và người tiêu dùng sử dụng. Người SX đã có ý thức hơn trong việc lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi, các  loại vật tư nông nghiệp có chất lượng tốt  để phục vụ SX. Người tiêu dùng đã chú      ý hơn tới chất lượng và mức độ an toàn của thực phẩm hàng hóa vì liên quan tới sức khỏe.

 

Tuy nhiên, thị trường VTNN và nông sản vẫn diễn biến phức tạp, nhất là trước biến động của giá cả liên tục tăng của các loại VTNN, nông sản thực phẩm thiết yếu, các hành vi gian lận thương mại ngày càng tinh vi hơn... Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người SXNN và người tiêu dùng nông sản thực phẩm trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật tới cán bộ quản lý, người SX và người tiêu dùng (đặc biệt là phụ nữ) nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm về vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh nông sản thực phẩm. Chú trọng đào tạo, tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng ATTP tại các cơ sở SX-KD vật tư nông nghiệp, SX, thu mua, chế biến nông - lâm - thủy sản cho các đơn vị trong ngành và các huyện, thành phố theo Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT để chuẩn bị tốt cho việc triển khai Luật An toàn thực phẩm đã có hiệu lực từ 1/7/2011. Để ngăn chặn các vi phạm về ATVSTP, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ và chế tài xử phạt đủ sức răn đe. Thực hiện công bố các cơ sở SX-KD chấp hành tốt các quy định của pháp luật, đồng thời cũng nêu tên, địa chỉ cơ sở vi phạm về chất lượng trên các phương tiện truyền thông để người tiêu dùng biết kiểm tra, giám sát và tự lựa chọn.

 

Quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn nông sản thực phẩm phải theo hướng chuyên trách và chuyên nghiệp; nên cần sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền; tăng cường hơn nữa các nguồn lực cho ngành nông nghiệp để trong thời gian ngắn có thể chủ động trong việc kiểm soát chất lượng và VSATTP trong suốt quá trình từ SX đến khi nông sản thực phẩm được đưa ra thị trường là sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn cho người sử dụng.