DetailController

Khoa học - Môi trường

Tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an tòan vệ sinh thực phẩm nông lâm thủy sản

02/08/2013 00:00
Sáng ngày 2/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến tòan quốc sơ kết công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an tòan vệ sinh thực phẩm nông lâm thủy sản 7 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chủ trì hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc

Tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dũng chủ trì buổi làm việc.

 

7 tháng đầu năm 2013, Bộ NN&PTNT tiếp tục tăng cường triển khai các chương trình giám sát an tòan vệ sinh thực phẩm nông sản, thủy sản. Đã tiến hành đánh giá, phân loại các nguy cơ về an tòan thực phẩm đối với thực phẩm 26 loại rau, quả tươi sản xuất trong nước. Kết quả phân tích cho thấy: nhóm rau ăn lá có nguy cơ cao hơn rau ăn quả và trong các loại quả đã được giám sát thì nho quả tươi là loại có nguy cơ cao nhất sau đến các loại quả như dưa lê, chuối và thấp nhất là xòai và cam. Thực hiện Thông tư 14, tới nay đã có 24 tỉnh tổ chức kiểm tra đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản, 22 tỉnh tổ chức kiểm tra đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản. Đã có 31 tỉnh tổ chức kiểm tra đánh giá đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. 25 tỉnh tổ chức kiểm tra, đánh giá đối với các cơ sở vật tư nông nghiệp. Theo báo cáo từ 31/63 địa phương đã gửi lên, trong 7 tháng qua các đơn vị đã tổ chức kiểm tra 6976 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản, trong đó có 1126 cơ sở vi phạm(chiếm 16,14%). Kiểm tra 1437 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, trong đó 240 cơ sở vi phạm, chiếm 16,7%.

 

Hội nghị đã thảo luận, báo cáo làm rõ thêm tình hình thực tế tại các địa phương, qua đó cho biết còn nhiều khó khăn trong việc triển khai Thông tư 14 và Chỉ thị 1159. Các biểu mẫu đã ban hành chưa hòan tòan đáp ứng được nhu cầu thực tế cần kiểm soát, việc công khai các cơ sở loại C và việc tái kiểm tra cơ sở loại C chưa được triển khai nhiều, mới chỉ tập trung ở một số loại hình cơ sở; việc kiểm tra định kỳ còn rất chậm, chưa đầy đủ đối với các loại hình cơ sở quy định. Bộ máy tổ chức và cán bộ làm công tác ATVSTP tại các địa phương chưa đồng bộ, thiếu. Cơ sở vật chất phục vụ cho quản lý chưa bảo đảm yêu cầu, kinh phí kiểm tra, giám sát chất lượng.

 

Kết luận  hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATVSTP nông lâm thủy sản luôn là vấn đề bức thiết, được cả xã hội quan tâm, và đây cũng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm số một của ngành nông nghiệp. Thời gian qua, các bộ ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, tiến hành kiểm tra và góp phần làm rõ nhiều vụ việc. Qua kiểm tra đã giúp nắm rõ hơn về tình hình chất lượng vật tư nông nghiệp và tình hình cơ sở sản xuất kinh doanh. Việc kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh có vi phạm, tiến hành kiểm tra lại và nhắc nhở nên số cơ sở loại C đã giảm dần. Tình trạng vi phạm ATVSTP có nhiều cải thiện và chuyển biến tích cực so với năm trước. Tuy nhiên, chất lượng vật tư nông nghiệp và ATVSTP vẫn còn tồn tại nhiều bức xúc, bất cập, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất của bà con nông dân và người tiêu dùng, gây tâm lý hoang mang, lo ngại trong nhân dân. Do đó các bộ, ngành các địa phương cần tăng cường, nỗ lực, triển khai các biện pháp cao hơn hướng tới mục tiêu giảm thiểu vi phạm về vật tư nông nghiệp và mất ATVSTP. Thời gian tới, các địa phương cần tăng cường lãnh chỉ đạo và quan tâm triển khai quyết liệt. Hợp tác với các cơ quan truyền thông, thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng trong sử dụng VTNN và bảo đảm ATVSTP. Triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên lúa và các loại rau, quả. Tiến hành hợp tác giữa nhà nước – doanh nghiệp – nông dân trong nuôi trồng, chế biến và sử dụng sản phẩm nông nghiệp. Tiếp tục triển khai thực hiện Thông tư 14 một cách thực chất với hai cách làm chặt chẽ: các doanh nghiệp xếp loại C cần bị kiểm tra, kiểm soát và yêu cầu khắc phục tình trạng, yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh mạnh tay rút giấy phép, đình chỉ các cơ sở vi phạm; xác định các vùng có nguy cơ cao và các sản phẩm có nguy cơ cao trên địa bàn để tập trung giám sát. Khẩn trương, nghiêm túc xử lý các vấn đề bức xúc được báo chí đưa tin để nhanh chóng giải tỏa mối quan ngại trong nhân dân. Tuy nhiên, khi các cơ quan báo chí đưa tin cũng phải nêu cụ thể vi phạm để tránh gây hoang mang trên diện rộng cho người tiêu dùng. Các ngành, các địa phương và các cơ quan cần thực hiện phối kết hợp trong công tác, xử lý vấn đề tận gốc và đưa ra kết luận chính xác, xử lý nghiêm túc sai phạm của doanh nghiệp, nhà sản xuất, tạo tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng./.