DetailController

Thời sự trong ngày

Tăng cường quản lý ao, lồng, bè nuôi cá trong điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa lũ

02/06/2022 00:00
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, trong năm 2022, nhiều nguy cơ thiên tai sẽ diễn ra phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán hơn năm 2021, khả năng nắng nóng gay gắt kéo dài trong nhiều ngày, đặc biệt là mùa mưa bão sắp tới. Mưa lớn có thể tập trung nhiều ở những tháng cuối năm; nhiều cơn bão có khả năng có quỹ đạo và cường độ bất thường.
Để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra, người dân cần chủ động thực hiện đầy đủ các quy định về nuôi cá lồng/bè và nuôi cá ao theo quy chuẩn đồng thời rà soát, bố trí lồng nuôi phù hợp

Để bảo vệ các đối tượng nuôi thuỷ sản, nâng cao hiệu quả nuôi trồng thuỷ sản, hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra, các địa phương trong tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thuỷ sản thực hiện các biện pháp khi thời tiết nắng nóng, mưa lũ.

Đối với nuôi cá ao, lồng, bè trên sông, hồ, tiến hành thu hoạch khi cá nuôi ao, lồng, bè khi đạt kích cỡ thương phẩm. Duy trì mức nước ao trên 1,5 m, kiểm tra tu sửa đăng, cống, đập tràn, những chỗ bờ xung yếu gia cố lại, đảm bảo mực nước trong ao cân bằng với nước bên ngoài đề phòng mưa to, nước lớn làm vỡ bờ ao. Đặt lưới chắn xung quanh bờ ao nhằm hạn chế cá nuôi thoát ra ngoài. Định kỳ bón vôi cải thiện môi trường ao nuôi 2 lần/tháng.

Đối với lồng, bè nuôi duy trì độ sâu 2,5-3 m, gia cố lồng nuôi vững chắc, di chuyển vào nơi neo đậu an toàn, trường hợp lồng, bè đặt thành từng cụm. Thường xuyên vệ sinh lồng, bè nuôi sạch sẽ và thông thoáng để lưu thông nước trong và ngoài lồng, nhằm tăng cường oxy hòa tan trong nước, giảm vật bám, chất thải... Sử dụng máy bơm nước, máy quạt nước vào ban đêm, đặc biệt từ 10 giờ đêm đến 4 giờ sáng để tăng hàm lượng oxy hòa tan trong ao, lồng, bè nuôi. Bổ sung VtaminC, khoáng chất, men tiêu hóa vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất và cho cá ăn vào sáng sớm, chiều mát.

Khi nước sông, hồ xuống thấp, đục, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người nuôi thực hiện các quy định về nuôi cá lồng/bè và nuôi cá ao theo Quy chuẩn VN 01-80:2011/BNNPTNT về “Cơ sở nuôi trồng thuỷ sản thương phẩm - Điều kiện vệ sinh thú y” ; Quy chuẩn Việt Nam 02-22:2015/BNNPTNT về “Cơ sở nuôi cá lồng/bè nước ngọt - Điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường”; tổ chức rà soát, bố trí lồng nuôi phù hợp...Thường xuyên treo túi vôi ở lồng, bè nuôi để khử trùng, cải thiện môi trường, di chuyển lồng nuôi đến những vị trí có dòng chảy hoặc dẫn các nguồn nước từ các khe suối chảy vào lồng, bè và kết hợp quạt khí. Ngoài ra khi thấy nước đục, cá kém ăn, bơi lội chậm sử dụng bạt nilon làm tráng lưu giữ tạm đàn cá còn lại, bơm nước sạch, tạo dòng nước chảy liên tục vào tráng.

Trong công tác quản lý, phòng chống và hỗ trợ thiệt hại sau nắng nóng, mưa lũ, chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt nhiệm vụ quan trắc cảnh báo môi trường; phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước có thể ảnh hưởng đến vùng nuôi.

Khi phát hiện thuỷ sản nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc bị chết rải rác cần hướng dẫn người dân thực hiện biện pháp xử lý khắc phục kịp thời. Không di chuyển lồng bè từ vùng nuôi có thuỷ sản bị bệnh sang vùng nuôi chưa xuất hiện bệnh.

Phối hợp với cơ quan chức năng quản lý tốt chất lượng giống, thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong nuôi trồng thuỷ sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Khi bị thiệt hại, các hộ sản xuất phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn, tiến hành thống kê, đánh giá thiệt hại, hoàn thiện hồ sơ gửi trực tiếp lên Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường để giải quyết theo quy định./.