Để tăng cường kiểm soát và chủ động phòng, chống hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh thủy sản gây ra, ngày 02/8/2022, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có Công văn số 2085/SNN-CNTY về việc tăng cường phòng, chống một số bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi. Theo đó đề nghị Ủy ban nhân các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi của địa phương. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung kinh phí bảo đảm có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản; đẩy mạnh giám sát chủ động dịch bệnh (khu ương nuôi giống, khu nuôi tập trung, khu vực nuôi cá lồng, bè) kịp thời cảnh báo nguy cơ xảy ra dịch bệnh, để người nuôi thủy sản chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, xây dựng chuỗi sản xuất thủy sản, cơ sở sản xuất thủy sản giống an toàn dịch bệnh.
Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện, phòng Kinh tế thành phố và các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp chủ động bám sát địa bàn, theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh với phương châm "phòng bệnh chủ động từ sớm, từ xa" để chỉ đạo, hướng dẫn người nuôi, kiểm soát các mối nguy (sử dụng con giống chất lượng, đã được kiểm dịch thú y; quản lý tốt nguồn nước, ao nuôi; sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học được phép lưu hành để tăng sức đề kháng cho động vật thủy sản và đảm bảo môi trường nuôi an toàn). Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm mầm bệnh, gắn với công tác kiểm dịch con giống và xây dựng an toàn dịch bệnh để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; thống kê, báo cáo, đánh giá đúng thực trạng và có giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.
Thành lập các Đoàn công tác trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm về nuôi trồng thủy sản, khu vực có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi.
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức và ý thức về phòng chống dịch bệnh thủy sản cho người nuôi, đặc biệt là về chất lượng con giống, xử lý nguồn nước, lấy mẫu giám sát xét nghiệm bệnh trong cơ sở nuôi, các biện pháp tiêu độc, khử trùng và xử lý khi có dịch bệnh trong cơ sở, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh./.