Việc phân công các cơ quan, đơn vị, cá nhân giúp đỡ, theo dõi các đơn vị cấp xã có thể coi là một trong những nội dung đột phá trong việc làm theo Bác của Đảng bộ tỉnh Hoà Bình. Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2489/QĐ-UBND, ngày 12/12/2017 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc phân công các cơ quan, đơn vị giúp đỡ các xã thuộc chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, nghiên cứu có giải pháp giúp đỡ, tập trung xây dựng mỗi xã có 01 sản phẩm đặc trưng để phát triển kinh tế - xã hội; Quyết định số 2453/QĐ-UBND, ngày 27/10/2021 về phân công, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị được giao giúp đỡ xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Đã có 50 cơ quan, đơn vị được phân công giúp đỡ 59 xã ĐBKK trong tỉnh. Các cơ quan, đơn vị đã thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác, xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch và triển khai giúp đỡ các xã, thôn, bản thuộc Chương trình 135 phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Theo lĩnh vực chuyên môn, các cơ quan, đơn vị đã trợ giúp các thôn, xã bằng những phần việc cụ thể. Theo đó, các cơ quan như: Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, Báo Hoà Bình, Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh, trường Chính trị tỉnh,.. quan tâm giúp đỡ các thôn, xã ĐBKK trong xây dựng, củng cố bộ máy chính quyền cơ sở vững mạnh. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ xã, thôn, bản. Đồng thời thực hiện thường xuyên và có chiều sâu việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức thăm hỏi, tặng quà các xã và các hộ nghèo, gia đình chính sách. Các cơ quan như: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Dân tộc, Cục Thuế tỉnh, các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công Thương và UBND các huyện Lạc Sơn, Đà Bắc,... tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ và Nhân dân các xã, thôn, bản ĐBKK kiến thức về quản lý dự án, phát triển kinh tế để xoá đói, giảm nghèo, hỗ trợ xoá bỏ nhà tạm và quan tâm tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo, học sinh nghèo vượt khó.
Cơ quan, đơn vị được phân công giúp đỡ xã ĐBKK phối hợp UBND cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ: Khảo sát nắm tình hình kinh tế - xã hội tại xã được phân công giúp đỡ, thảo luận với Đảng uỷ, HĐND, UBND xã để xây dựng kế hoạch, chương trình giúp đỡ cụ thể của từng năm và cả giai đoạn. Giúp đỡ xã củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Tham gia hướng dẫn cấp ủy, chính quyền rà soát xây dựng, bổ sung quy hoạch phát triển hạ tầng; đề xuất biện pháp giúp đỡ định hướng phát triển toàn diện các mặt kinh tế - xã hội của xã được giúp đỡ. Phân công cán bộ, công chức có chuyên môn phối hợp phòng chuyên môn của UBND cấp huyện hướng dẫn, giúp đỡ UBND xã làm chủ đầu tư các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ trên địa bàn phù hợp quy định hiện hành. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các hộ dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện địa phương, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Với sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đã góp phần đắc lực nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ xã, thôn, bản. Người dân được tiếp thu kiến thức khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất và sử dụng vốn đầu tư của các chương trình, dự án, chính sách hiệu quả hơn. Trong tổ chức thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn xã ĐBKK, đã có 52,6% xã được giao làm chủ đầu tư công trình cơ sở hạ tầng. Nhiều xã được giao làm chủ đầu tư nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất và 100% xã được giao làm chủ đầu tư nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng.
Thực hiện Quy định số 26-QĐi/TU, ngày 14/12/2022 của Ban Thườngvụ Tỉnh ủy về quy định cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh theo dõi các xã, phường, thị trấn và Quyết định số 718-QĐ/TU, ngày 14/12/2022 về phân công cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh theo dõi xã, phường, thị trấn; cán bộ lãnh đạo các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện việc theo dõi, hướng dẫn, nắm bắt tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị; tình hình triển khai, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tình hình đời sống, tâm trạng của Nhân dân, mối quan hệ giữa Nhân dân với hệ thống chính trị ở cơ sở; sắp xếp thời gian phù hợp để đi công tác, tham dự các cuộc họp ban chấp hành, ban thường vụ đảng ủy xã được phân công để theo dõi, giám sát, tư vấn, hướng dẫn, phối hợp tìm giải pháp triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tham gia ý kiến với lãnh đạo xã mà trực tiếp là thường trực, ban thường vụ đảng ủy trong triển khai, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Sau 5 năm triển khai Quyết định số 2489/QĐ-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi; nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được nâng lên, năng lực chỉ đạo, điều hành của chính quyền cơ sở được tăng cường; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước giảm nghèo bền vững. Giai đoạn 2018 - 2019: Có 6 xã và 73 thôn, bản đặc biệt khó khăn được công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020; tổng số kinh phí các cơ quan, đơn vị huy động hỗ trợ các, thôn, bản đặc biệt khó khăn là 10 tỷ 200 triệu đồng.
Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh, cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm chỉ đạo thực hiện phong trào với tinh thần sát sao, quyết liệt. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nông thôn được xây dựng, ban hành, thu hút sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân, các lực lượng xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 55% tổng số xã (trong đó có 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 60 khu dân cư kiểu mẫu; 174 vườn mẫu); số tiêu chí nông thôn mới trung bình trên một xã đạt 16 tiêu chí; toàn tỉnh đã có 123 sản phẩm OCOP, trong đó có 24 sản phẩm 4 sao và 99 sản phẩm 3 sao, nâng số sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận lên 117 sản phẩm. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực thi đua “Xây dựng mô hình sinh kế giảm nghèo và giảm nghèo bền vững”, “Tập trung hỗ trợ địa bàn nghèo, tăng cường giảm hộ nghèo và tăng hộ khá, giàu”. Các chính sách giảm nghèo, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo trợ xã hội và an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, kịp thời. Bên cạnh đó, phong trào thi đua đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của cộng đồng, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và từng bước làm giàu; đồng thuận hợp tác, trách nhiệm vì người nghèo. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh ước giảm còn 12,99%, giảm 2,5% so với năm 2021./.