Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách cho hoạt động Khoa học công nghệ (KHCN) đảm bảo đồng bộ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong hoạt động KHCN, trong đó đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện. Các huyện ủy, thành ủy đã ban hành các văn bản, kế hoạch triển khai thực hiện kịp thời nhằm cụ thể hóa Chương trình hành động số 17-CTr/TU về phát triển khoa học và công nghệ. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã đưa chỉ tiêu, nhiệm vụ về KHCN vào mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ và hằng năm. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ về KHCN hằng năm được lấy làm một trong các tiêu chí để đánh giá, xếp loại đối với cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị.
Kết quả quan trọng đạt được sau 10 năm như: Tỷ trọng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đã tăng từ 23,08% năm 2016 lên 30,24% năm 2020; năng suất lao động dần tăng từ 5,25% năm 2016 lên 8,33% năm 2020; đã đóng góp thiết thực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, củng cố quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh. Trình độ phát triển KHCN của tỉnh ngày càng được nâng lên cả về nguồn nhân lực và mức đầu tư cho nghiên cứu và triển khai các nhiệm vụ KHCN. Hệ thống tổ chức, bộ máy và chất lượng nguồn nhân lực của các tổ chức KHCN và doanh nghiệp KHCN được đảm bảo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Tổng số đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác khoa học và công nghệ hiện có 366 người/85 vạn dân chiếm 0,043%, trong đó: Tiến sĩ 03 người, chiếm 0,82%; thạc sĩ 38 người, chiếm 10,38%; đại học, cao đẳng 325 người, chiếm 88,8%; độ tuổi dưới 45 tuổi là 230 người, trên 45 tuổi là 136 người. Nhân lực tập trung nhiều nhất thuộc lĩnh vực khoa học nông nghiệp có 200 người chiếm 54,64%, nhân lực ít nhất thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ có 64 người chiếm 17,48%. Các tổ chức thường xuyên được củng cố theo hướng tinh gọn, nguồn nhân lực có chuyên môn đa lĩnh vực, cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN; chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng cho các cán bộ, công chức, viên chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Lực lượng trí thức và nhà khoa học trong và ngoài tỉnh đã tích cực tham gia vào các hoạt động KHCN thông qua việc triển khai các nhiệm vụ KHCN; hoạt động sáng kiến, đổi mới sáng tạo hằng năm; các phong trào thi đua cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất ngày càng nhiều hơn.
Kinh phí dành cho hoạt động KHCN đã được quan tâm, tỉnh đã bố trí kinh phí cho đầu tư phát triển và sự nghiệp KHCN đảm bảo không thấp hơn mức Trung ương giao và tăng dần qua các năm, cụ thể kinh phí thực hiện Đề án phát triển KHCN tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 là 624,95 tỷ đồng, trong đó Nguồn ngân sách trung ương: 195,95 tỷ đồng, Nguồn ngân sách địa phương: 310,8 tỷ đồng, Nguồn huy động từ doanh nghiệp, xã hội: 118,2 tỷ đồng; các tổ chức KHCN, doanh nghiệp KHCN, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đã tích cực đầu tư kinh phí cho nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ cho ứng dụng, áp dụng các tiến bộ KHCN được hiện đại hóa, hệ thống chuẩn đo lường, phòng thí nghiệm, hệ thống thiết bị về an toàn bức xạ, hạt nhân được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Nhìn chung, thời gian qua, hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, trình độ phát triển KHCN của tỉnh từng bước được nâng lên cả về nguồn nhân lực và mức đầu tư cho nghiên cứu, triển khai hoạt động KHCN; tỷ trọng năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động được tăng lên hằng năm, đóng góp thiết thực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, củng cố quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh./.