Mục tiêu cụ thể của Đề án nhằm rà soát, quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục, giảm điểm trường lẻ và lớp ghép; phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập, củng cố hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú. Ban hành cơ chế chính sách đặc thù của tỉnh dành cho giáo viên, học sinh, sinh viên vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018: Đến năm 2025, trên 82% số trường có đủ phòng học, phòng học bộ môn và thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu các cấp học, 61% số trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia; đến năm 2030, trên 90% số trường có đủ phòng học, phòng học bộ môn và thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu các cấp học, 90% số phòng học được xây dựng kiên cố; 70% thư viện trường mầm non, phổ thông đạt mức độ 1; 70% số trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, quan tâm giáo dục dân tộc và học sinh khuyết tật học hòa nhập; chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, lịch sử, đạo đức, ý thức trách nhiệm công dân, kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế. Thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018. Củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở mức độ 3; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3, 4 tuổi. 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học cơ sở hằng năm đạt từ 99% trở lên; duy trì và nâng cao chất lượng xếp hạng điểm trung bình thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tiếp tục thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh. - Bảo đảm đủ số lượng giáo viên với cơ cấu hợp lý ở các cấp học, đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018, đến năm 2030: 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó có 70% giáo viên mầm non, 8% giáo viên tiểu học, 8% giáo viên THCS, 30% giáo viên THPT đạt trình độ trên chuẩn; 100% giáo viên dạy tiếng Anh đạt chứng chỉ theo yêu cầu của cấp học, trong đó có 30% giáo viên đạt chứng chỉ quốc tế.
Thời gian triển khai Đề án: Từ năm 2023 đến năm 2030. Đối tượng, phạm vi áp dụng Đề án: Các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Đề án gồm nhiệm vụ và giải pháp sau: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đẩy mạnh công tác truyền thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo; Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đảm bảo các điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Đổi mới cơ chế quản lý tài chính, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục, quan tâm huy động nguồn lực xã hội hóa; xây dựng cơ chế chính sách phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập; nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông; đổi mới công tác quản lý giáo dục; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Việc triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án góp phần hoàn thành các mục tiêu về kinh tế xã hội của Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 29/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2023-2030.
UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành và các đơn vị liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai, thực hiện Đề án theo quy định./.