DetailController

Thời sự trong ngày

Tăng cường năng lực Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng thế giới năm 2022

02/06/2022 00:00
Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 303 công trình cấp nước tập trung được đầu tư trong đó có 22 công trình hoạt động bền vững (chiếm 7,3%), 66 công trình hoạt động bình thường (chiếm 21,8%), 92 công trình hoạt động kém hiệu quả (chiếm 31,3%) và 120 công trình không hoạt động (chiếm 39,6%); Tính đến cuối năm 2021 tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh là 95,38%, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước đáp ứng quy chuẩn Việt Nam là 50,20%.

Hòa Bình là một trong 21 tỉnh nằm trong chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả” được thực hiện trong giai đoạn 2016 – 2022. Trong đó trong giai đoạn này sẽ phấn đấu đạt các mục tiêu như: Cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, vê sinh môi trường, tăng cường tiếp cận bền vững vệ sinh nông thôn; tăng tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; Tăng tỷ lệ Trạm Y tế có nhà tiêu và nước sạch đạt chuẩn theo quy định; 100% cán bộ Trạm y tế xã, y tế thôn bản, phụ nữ thôn tham gia thực hiện Chương trình được đào tạo tập huấn về các mô hình thúc đẩy vệ sinh; truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh; thúc đẩy thị trường vệ sinh, kiểm tra, giám sát vệ sinh nhà tiêu hộ gia đình; nhà tiêu trường học và trạm y tế; Cải thiện hành vi sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nước là hàng hóa, dùng nước qua đồng hồ và phải trả tiền sử dụng nước, tăng thêm đấu nối từ công trình thuộc dự án; phấn đấu đến năm 2022 đạt được khoảng 16.685 đấu nối đưa tỷ lệ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95,5% trong đó 70% đạt nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn hiện hành.

Mục tiêu cụ thể: sẽ mở rộng 02 công trình, xây mới 03 công trình và nâng cấp, cải tạo , sửa chữa 05 công trình cấp nước với tổng số đấu nối là 13.800 đấu nối; Xây mới 119 công trình, cải tạo 18 công trình nước sạch và nhà vệ sinh trong trường học; Xây dựng 85 công trình nước sạch và nhà vệ sinh trạm y tế, 12.408 nhà tiêu hộ gia đình và lựa chọn 60 xã đạt vệ sinh toàn xã trong công trình vệ sinh nông thôn.

Trong đó mục tiêu năm 2022 sẽ hoàn thành đưa vào sử dung các công trình cấp nước tập trung theo kế hoạch, dự kiến khi hoàn thành đạt tổng số đấu nối là 7.725 đấu nối và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án còn lại nhằm đảo bảo đúng kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên khó khăn hiện nay, một bộ phận lớn người dân chưa phân biệt được thế nào là nhà tiêu hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế; Nhiều người dân chưa có thói quen rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi đi vệ sinh. Các hộ gia đình còn sử dụng phân trong trồng trọt, chăn nuôi. Nhiều người dân còn chưa có thói quen sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Tình hình vệ sinh ở trường học cũng cần đầu tư xây mới hoặc cải tạo nhiều.

Về cấp nước còn gặp nhiều khó khăn do dân cư phân bố không tập trung, người dân vẫn còn tập quán sử dụng nước từ suối về; việc triển khai lựa chọn địa điểm để đầu tư xây dựng công trình để đảm bảo số đấu nối theo cam kết tương đối khó khăn do các hộ dân ở cách xa nhau từ đó dẫn đến xuất đầu tư lớn.

Để đạt được các mục tiêu của năm 2022 và mục tiêu giai đoạn 2016 – 2022 theo kế hoạch cần triển khai các hoạt động tăng cường năng lực. Trong năm ngành NN&PTNTN sẽ tổ chức các hoạt động như: Tập huấn POM; tập huấn về sổ tay hướng dẫn vận hành và quản lý các công trình cấp nước dựa vào cộng đồng; tập huấn về thông tin giáo dục truyền thông về cấp nước; Tập huấn về thông tin giáo dục truyền thông về cấp nước (IEC)…Ngành Y tế sẽ tổ chức tập huấn truyền thông thay đổi hành vi và phát triển thị trường vệ sinh, hướng dẫn lập kế hoạch cho cán bộ tỉnh, huyện năm 2022; tổ chức các hội nghị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để triển khai chương trình nhằm nâng cao truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân…

Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác truyền thông thay đổi hành vi (BCC) về vệ sinh, nước sạch và vệ sinh môi trường…, đồng thời hỗ trợ phát triển thị trường vệ sinh nhằm cải thiện thói quen rửa tay với xà phòng, tiếp tục đầu tư hỗ trợ xây dựng các mô hình nhà tiêu hộ gia đình tại các địa phương nhằm hạn chế và chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi và tăng cường sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Hoàn thiện chính sách và thể chế, tăng cường năng lực của các tổ chức cấp và địa phương. Xây dựng và áp dụng các sáng kiến/mô hình mới, phù hợp và bền vững với điều kiện vùng miền; đặc biệt tại khu vực nông thôn miền núi, thúc đẩy vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân của người DTTS; kinh phí từ Chương trình sẽ giúp tỉnh triển khai được tốt công tác truyền thông vận động cộng đồng về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường./.