DetailController

Kinh tế

Tăng cường, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực của cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu

28/11/2022 00:00
Biến đổi khí hậu được xem là thách thức nghiêm trọng đối với toàn cầu bởi những tác động tiêu cực, đe dọa sự tồn vong của hệ sinh thái và cuộc sống của con người. Vấn đề này đòi hỏi nỗ lực của các quốc gia cũng như sự hợp tác chặt chẽ của cộng đồng quốc tế. Những năm qua, tỉnh Hòa Bình luôn coi trọng hợp tác, hội nhập quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Do đó nhiều chương trình, sự án, nhiệm vụ về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được quan tâm thực hiện.
Kiểm tra tình hình triển khai các dự án an toàn hồ đập có vốn vay nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh chủ động trong hợp tác với  các địa phương trên cả nước, tiếp thu và áp dụng những mô hình tiên tiến trong  hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên và  bảo vệ môi trường. Đồng thời, mở rộng quan hệ với các tổ chức quốc tế nhằm huy động các nguồn lực  tài chính, khoa học công nghệ, năng lực quản lý điều hành. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố đã chủ động trong  tiếp cận các đối tác nước ngoài hỗ trợ về tài chính, khoa học công nghệ trong thực hiện các chương trình, dự án về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. 

Một số nhiệm vụ, dự án đã được hỗ trợ về tài chính lớn của quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường tiếp tục được các cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ, dự án trên địa bàn tỉnh như: Dự án “Trồng rừng, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn và kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống lũ, sạt lở đất, hạn hán, bảo vệ dân cư các xã huyện Lạc Sơn” được Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình phê duyệt tại Quyết định số 1355/QĐ-UBND ngày 05/7/2021. Theo đó, chủ đầu tư là Ủy ban nhân dân huyện Lạc Sơn.  Tổng mức đầu tư là 377 tỷ đồng, trong đó: 320 tỷ đồng vốn thuộc chương  trình SP-RCC, 57 tỷ đồng vốn đối ứng địa phương. Thời gian thực hiện dự án từ 2015 - 2023.  Về xây dựng hạ tầng, đến nay đã hoàn thành 100% khối lượng đã được phê duyệt  trong 2021. Hiện nay chỉ còn phần công việc của dự án là bảo vệ, chăm sóc rừng thuộc kế  hoạch năm 2019 đến hết năm 2023 và quyết toán dự án hoàn thành. 

Dự án “Trồng, bảo vệ và phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn sông Bôi  và nâng cấp tuyến đê ngăn lũ sông Bôi kết hợp với đường giao thông chạy lũ  (đoạn cầu Chi Nê, xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thủy đến xã Xích Thổ, huyện  Nho Quan, tỉnh Ninh Bình)” được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2876/QĐ-UBND ngày 23/11/2022. Chủ đầu tư là Ủy ban nhân dân huyện Lạc Thủy. Dự án có tổng mức đầu tư xây dựng 217,8 tỷ đồng, sử dụng  nguồn vốn Chương trình mục tiêu biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh 165,747 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 30,359 tỷ đồng, vốn ngân sách huyện 21,694 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ 2018 – 2022, đế nay đã hoàn thành.  Kết quả đã trồng mới 64,4 ha rừng (xã Yên Bồng 23,9ha; xã Khoan Dụ 28,46ha;  xã Liên Hòa 12,04ha); bảo vệ rừng tự nhiên 478,86ha (xã Khoan Dụ 101,94ha; xã Liên Hòa  115,46ha; xã Hưng Thi 262,36ha). Đã hoàn thành 6,818Km nâng cấp tuyến đê bao kết hợp đường giao thông; hoàn thành các công trình thoát nước dưới  đê; rãnh thoát nước dọc; các điểm kè bê tông cốt thép chống đỡ nền đường.

Tuy nhiên, hiện nay số kinh phí sự nghiệp môi trường còn thấp chưa đáp ứng nhu cầu chung; việc huy động các nguồn lực từ xã hội hóa và quốc tế cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường còn hạn chế, chưa đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị, dẫn đến nhiều nhiều vụ quan trọng, cần thực hiện kịp thời nhưng tiến độ chậm hoặc không được thực hiện nhất là với xử lý các vụ việc, sự cố môi trường đột xuất, công tác lấy mẫu kiểm chứng phục vụ cho việc xác nhận hoàn thành các công trình BVMT của dự án.

Vì vậy thời gian tới, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn  lực của cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, các cơ quan chuyên môn phụ trách về hợp tác quốc tế cần tăng cường sự
gắn kết với các cơ quan, đơn vị, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh để nắm bắt và
thấy rõ các nhu cầu về nguồn vốn cụ thể triển khai các hoạt động về ứng phó với
biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Từ đó, đề ra các giải pháp, kết nối với các nguồn lực quốc tế để triển khai hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch, nhiệm vụ, dự án cụ thể./.