Theo đó, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu: Ban An toàn giao thông tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, quy định về dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, các quy định của pháp luật có liên quan khác đến các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, các đơn vị kinh doanh bến xe, bãi đỗ xe trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Sở Giao thông vận tải kiểm tra, xử lý đối với các văn phòng đại diện của đơn vị vận tải, bãi đỗ trông giữ phương tiện, bãi đỗ xe tạm, tự phát trên địa bàn tỉnh; nếu phát hiện có tổ chức đón, trả khách, cò khách thì kiên quyết xử lý vi phạm theo quy định của Pháp luật. Giữ nguyên, ổn định các bến xe hiện hữu đến năm 2030 để tạo sự ổn định kinh doanh cho hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định và đơn vị bến xe; đồng thời góp phần tăng cường kết nối vận tải, tạo thuận lợi cho nhu cầu đi lại của người dân. Tham mưu xây dựng các điểm dừng, đón trả khách. Yêu cầu các bến xe tổ chức khu vực dành riêng cho xe taxi, xe hai bánh chở khách (xe ôm) để đảm bảo thuận lợi cho hành khách vào bến và rời bến được thuận tiện, an toàn. Yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tăng cường công tác đối thoại, kịp thời phản ảnh ngay các phương tiện chở khách núp bóng xe hợp đồng, xe công nghệ đặt chỗ qua mạng hoạt động đón, trả khách trái quy định pháp luật. Hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, các đơn vị kinh doanh bến bãi có trách nhiệm thực hiện đúng quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, quy định về dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đặc biệt đối với các đơn vị kinh doanh vận tải theo hợp đồng, xe hợp đồng trá hình để xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ.
Công an tỉnh chủ trì xây dựng kế hoạch thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra, xử lý hiện tượng “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến” trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an các huyện, thành phố sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp các lực lượng để phát hiện, ngăn chặn ngay từ khi phương tiện xuất phát; đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách trá hình như xe dù, bến cóc, xe chở khách núp bóng xe hợp đồng, xe du lịch, xe đặt chổ qua mạng hoạt động đón, trả khách trái quy định pháp luật;
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị liên quan rà soát và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng xe cá nhân để kinh doanh vận tải quảng cáo thông qua hình thức lập nhóm trên Zalo, Facebook và các trang mạng xã hội khác đặc biệt là các xe hợp đồng nhưng có thông tin trên các trang mạng xã hội có lịch trình đi hàng ngày như xe tuyến cố định, đi Hòa Bình - Hà Nội nhiều chuyến một ngày; có giải pháp ngăn chặn các địa chỉ quảng cáo liên quan đến “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến” trên địa bàn qua mạng, trên các Website.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo các lực lượng chức năng ở địa phương, công an phường, xã, thị trấn đẩy mạnh việc thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn. Tổ chức điều tra, nắm rõ danh sách các tổ chức, cá nhân có phương tiện tham gia hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô, các phương tiện chở khách núp bóng xe hợp đồng, xe công nghệ đặt chổ qua mạng hoạt động đón, trả khách trái quy định pháp luật tại địa phương gửi về Sở Giao thông vận tải để có phương án xử lý kịp thời./.