DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Tăng cường kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

09/12/2021 00:00
Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, vì vậy công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, nhận thức trách nhiệm về công tác bảo vệ môi trường của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể đã được nâng lên một cách rõ rệt. Ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở doanh nghiệp có nhiều chuyển biến.
Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hữu nghị nhân rộng mô hình “Chi hội phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon khi đi chợ

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 30/12/2016 về tăng cường kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương xây dựng, triển khai kế hoạch bảo vệ môi trường, bám sát với tình hình tại địa phương, đơn vị. Hàng năm, 100% các huyện, thành phố đều tổ chức các hoạt động tuyên truyền các sự kiện về môi trường như: Ngày môi trường thế giới 5/6, Tuần lễ Quốc gia về Nước sạch và vệ sinh môi trường (29/4 - 6/5), Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn (20/9), Ngày Đa dạng sinh học (22/5); Ngày Đất ngập nước... bằng nhiều hình, đã thu hút được hàng nghìn lượt người tham gia hưởng ứng. Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể đã triển khai thực hiện nhiều phong trào, mô hình, hoạt động về bảo vệ môi trường lồng ghép vào các chương trình công tác của đoàn, hội, đội tại cơ sở như: Mô hình, ngôi nhà 100 đồng, mô hình thu gom rác thải đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng túi nilon, xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm Biogas... tuyên truyền phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”; khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đưa tiêu chí xây dựng khu xóm, dân cư, xã, thị trấn “Xanh – Sạch- Đẹp” là một trong những tiêu chuẩn để bình xét hộ gia đình văn hóa, khu dân cư tiên tiến. Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đã triển khai và thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, các mô hình “Nhà tiêu hợp vệ sinh”, “Đoạn đường phụ nữ tự quản”. Đoàn thanh niên đã hướng dẫn, vận động đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia bảo vệ môi trường, hưởng ứng Tết trồng cây, Ngày môi trường thế giới, tổ chức “Ngày chủ nhật xanh”, “Ngày thứ 7 tình nguyện” “Đoạn đường thanh niên tự quản về Môi trường” ..., thông qua các cuộc sinh hoạt cộng đồng, các cuộc họp phố, xóm thường xuyên được lồng ghép để tuyên truyền tới từng hộ dân về ý thức chấp hành công tác bảo vệ môi trường khu dân cư.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở đã được kiện toàn; hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn. Công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào các nội dung như: Tuân thủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý chất thải, đăng ký hồ sơ chủ nguồn thải, hồ sơ cấp phép xả nước thải vào nguồn nước, chế độ báo cáo quan trắc môi trường định kỳ hàng năm.. Giai đoạn 2017-2021, các ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra, xử phạt với tổng số tiền xử phạt trên 1,9 tỷ đồng.

Hoạt động quan trắc, giám sát chất lượng môi trường được duy trì và đẩy mạnh, trong đó thực hiện trọng tâm vào các điểm nóng về môi trường, các khu công nghiệp, các đô thị, lưu vực sông, các khu vực khai thác khoáng sản. Hiện nay, tỉnh Hòa Bình đã có nhiều chính sách thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào hoạt động xử lý, tái chế chất thải theo hướng xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đối với việc thu gom, xử lý chất thải đảm bảo hiệu quả, hạn chế ô nhiễm môi trường từ các hoạt động của con người trên địa bàn.

Những năm qua, Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hòa Bình đã và đang được triển khai hiệu quả, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng sống cho Nhân dân, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, tỉnh đã huy động hàng trăm tỷ đồng từ các nguồn vốn để xây dựng nhiều loại hình cấp nước sinh hoạt như hệ thống nước tự chảy, giếng khoan, bể nước mưa, các công trình cấp nước sạch tại nhiều vùng nông thôn trên địa bàn. Đến nay, tỉnh đã xây dựng được hàng trăm công trình nước sạch tập trung; tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 91,5%; số hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm trên 73%; số chuồng trại chăn nuôi xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường chiếm trên 60%. Nhờ đó, tỷ lệ người dân nông thôn được thụ hưởng nguồn nước sạch, môi trường nông thôn được cải thiện, thay đổi theo chiều hướng tích cực. Ước đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 71/131 xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường./.