DetailController

Tin từ các đơn vị

Tăng cường kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

06/05/2020 00:00
Ngày 30/12/2016, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về tăng cường kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Đến nay, sau 03 năm triển khai thực hiện, hoạt động kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã có những kết quả nhất định. Cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã quán triệt sâu sắc và làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, triển khai thực hiện, cụ thể hóa nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Nhờ đó, nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về bảo vệ môi trường đã có sự chuyển biến tích cực.
Tuyên truyền về bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Kim Bôi

Hằng năm, nhiều hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường đã được các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể, cơ quan chức năng quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt. Các sự kiện tuyên truyền về môi trường như: Ngày môi trường thế giới 5/6; Tuần lễ quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường (29/4-06/5), Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn (20/9), Ngày quốc tế về đa dạng sinh học (22/5), Ngày đất ngập nước thế giới…Các sự kiện trên đã thu hút được hàng nghìn lượt người tham gia hứng ứng và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ngoài ra, hoạt động tuyên truyền cũng được triển khai thường xuyên trên Đài PT-TH, Báo Hòa Bình; lồng ghép với việc hướng dẫn, kiểm tra thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được củng cố, phát huy hiệu quả. Các văn bản, chính sách về bảo vệ môi trường được ban hành kịp thời, bám sát thực tiễn, giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân và doanh nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Nhiều chương trình, dự án về bảo vệ môi trường được quan tâm, bố trí kinh phí thực hiện. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, quan trắc môi trường được duy trì thường xuyên, số lượng cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng giảm. Đến năm 2018, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 01 cơ sở, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đã bị các cơ quan chức năng thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Kết quả trong 03 năm đã điều tra, xử lý 684 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm. Khởi tố vụ án hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường quy định tại Điều 335 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); khởi tố, bắt tạm giam 03 đối tượng có hành vi vận chuyển, đồ dầu thải xuống nguồn nước sông Đà.

Đối với tỉnh Hòa Bình, nhiệm vụ bảo vệ môi trường được xem xét, lồng ghép ngay từ việc xây dựng các quy hoạch, kế hoạch ở các lĩnh vực, ngành. Việc lựa chọn các dự án đầu tư mới nhằm phát triển KT-XH theo hướng phát triển bền vững là một trong các mục tiêu trước mắt và lâu dài. Về xử lý các cơ sở gây ô nhiễm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vât, tỉnh không có cơ sở trong danh mục điểm tồn lưu háo chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Mặc dù vậy, tỉnh Hòa Bình vẫn chủ động tiến hành khảo sát thực trạng, đánh giá phạm vi, mức độ ô nhiễm của các bị trí đặt kho thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh. Kết quả có 11 điểm ô nhiễm bảo vệ thực vật tồn lưu. Trên cơ sở thưc tế tại địa phương, tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai các nhiệm vụ nhằm xử lý triệt để. Ngoài ra, tỉnh Hòa Bình cũng tập trung giải quyết tốt vấn đề thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt khu đô thị, nông thôn; thực hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Hòa Bình đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Tuy nhiên, hiện nay, các đô thị trên địa bàn tỉnh đều chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải sinh hoạt được xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại sau đó thải trực tiếp ra môi trường. Nhìn chung, hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Công tác quản lý nhà nước, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường còn nhiều khó khăn; chưa huy động được các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường; ô nhiễm môi trường tại khu vực nông thôn có xu hướng gia tăng. Một số mục tiêu đến năm 2020 khó đạt so với yêu cầu (85% các khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; 50% khu vực đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường)…

Thời gian tới để tăng cường kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với sự nghiệp môi trường; cần có sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng và các tổ chức chính trị - xã hội; phát triển mạnh các mô hình cộng đồng dân cư tự quản trong hoạt động bảo vệ môi trường. Kiểm soát chặt chẽ công tác thẩm định về môi trường, cấp phép dự án đầu tư mới; ưu tiên thu hút đầu tư đối với các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, phát sinh ít chất thải; kiên quyết loại bỏ các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, phát sinh nhiều chất thải…