DetailController

Khoa học - Môi trường

Tăng cường hiệu quả công tác phòng chống hạn hán trong 6 tháng đầu năm 2015

06/07/2015 00:00
Với đặc điểm là một tỉnh miền núi, có địa hình phức tạp, sông suối dốc, mùa mưa thường gây nên lũ lớn, mùa hè nắng nóng kéo dài gây hạn hán, 6 tháng đầu năm 2015, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng nhiều phương án tối ưu nhất nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng chống hạn hán trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường tu sửa, làm mới hệ thống kênh mương dẫn nước phục vụ sản xuất

 Nhìn lại diễn biến sản xuất vụ Đông xuân 2014-2015 vừa qua, có thể thấy, sự vào cuộc đồng bộ và hiệu quả của các cấp, ngành, địa phương trong phòng chống hạn hán.  Đầu vụ, tình hình tích nước ở các hồ chứa đạt khoảng 70-75% dung tích thiết kế (giảm so với vụ trước từ 10-15%), tuy vậy nguồn nước cũng đã đảm bảo phục vụ làm đất cho 100% diện tích gieo cấy lúa. Tình hình nguồn nước ở các hồ chứa sau khi phục vụ làm đất đã giảm đáng kể chỉ còn khoảng 40-50%, tại các công trình do dòng chảy suối cạn kiệt, không đủ dâng nước vào kênh nên các địa phương đã huy động máy bơm để bơm nước. Trong vụ, đã xảy ra 2 đợt hạn hán: đợt 1 vào đầu tháng 3, diện tích lúa có khả năng bị hại là 2.196 ha, diện tích này không bị ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây do từ tháng 3, 4 xuất hiện mưa rào lớn trên toàn tỉnh; đợt 2 trong khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 do nắng nóng với nhiệt độ cao xảy ra liên tục, mực nước các hồ cạn kiệt, lượng mưa ít, đợt hạn này đúng lúc lúa và ngô đang trong thời kỳ trỗ bông, trỗ cờ. Đến tháng 5, có trên 3.451 ha lúa; 4.003 ha màu, 1.598 ha cây trồng công nghiệp và cây ăn quả thiếu nước, phải triển khai các biện pháp bơm tưới chống hạn.

Để đối phó với khả năng hạn hán cho vụ Đông xuân 2014-2015, đảm bảo nước cho sản xuất và cho sinh hoạt của nhân dân, UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương. Tổ chức kiểm tra, đánh giá và kiểm kê các nguồn nước trên địa bàn 11 huyện, thành phố, đặc biệt là các hồ chứa nước. Chỉ đạo các chủ đập tích nước, quản lý chặt chẽ nguồn nước hiện có, tập trung các biện pháp giữ nước, sử dụng nước tiết kiệm; tuyệt đối không cho phép tháo cạn nước trong các hồ. Các hồ chức đang sửa chữa đẩy nhanh tiến độ thi công và có biện pháp đảm bảo nước cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong vùng hưởng lợi. Tập trung nạo vét bùn, đất, khơi thông lòng dẫn các tuyến kênh mương, bể hút các trạm bơm, các hồ chứa; sửa chữa các bai, cửa cổng lấy nước tại các công trình và hệ thống công trình đang bị hư hỏng, gây mất nước sau mùa mưa bão.

Bên cạnh đó, các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai hoàn thành chiến dịch toàn dân làm thủy lợi, đã huy động được gần 640 nghìn ngày công trong nhân dân, ước tính khoảng hơn 41 tỷ đồng để tu sửa những công trình hư hỏng nhỏ, nạo vét kênh mương nội đồng, tăng khả năng dẫn nước phục vụ sản xuất. Chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ tưới tiết kiệm nước như tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt nhất là đối với vùng trồng cây ăn quả. Bằng các biện pháp tích cực trong công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi, sử dụng nước tưới hợp lý, phù hợp với tiến độ sản xuất, diện tích thiệt hại trong vụ Đông xuân 2014-2015 đã giảm đáng kể, còn khoảng 205/3.541 ha lúa, 430/4.000 ha màu. Tổng kinh phí hỗ trợ là 16,27 tỷ đồng, trong đó kinh phí các huyện Mai Châu, Lạc thủy, Yên Thủy, thành phố Hòa Bình và Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi là 1,87 tỷ đồng; kinh phí Trung ương  hỗ trợ 14,4 tỷ đồng.

Có thể khẳng định, công tác phòng chống hạn hán trong 6 tháng đầu năm 2015 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, các cấp, ngành, địa phương, đã cấp thiết triển khai các phương án phòng chống hạn hán nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra./.