Để thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2024 đảm bảo theo đúng quy định, ngày 02/02/2024, UBND tỉnh ban hành Công văn số 169/UBND-NVK về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ngành của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện một số nhiệm vụ như sau:
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của Nhân dân và du khách, nghiêm túc thực hiện các quy định của nhà nước trong việc tổ chức và quản lý lễ hội, nhất là việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; giữ gìn vệ sinh công cộng và bảo vệ môi trường trong hoạt động lễ hội.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, tổ chức lễ hội, các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân nội dung Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23/11/2023 về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024; Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 15/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Công văn số 5833/BVHTTDL-VP ngày 29/12/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội mừng Xuân Giáp Thìn 2024. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội để phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng lễ hội để tăng giá, ép giá; các hành vi tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, kinh doanh thu lợi bất chính và các hoạt động không lành mạnh; những sai phạm, tiêu cực trong hoạt động tổ chức lễ hội, xâm hại di tích và ảnh hưởng đến các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội tại địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định về tổ chức và quản lý lễ hội; tuyên truyền giới thiệu, quảng bá về nguồn gốc, giá trị của lễ hội và di tích; bảo tồn những truyền thống văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân các dân tộc phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân. Chỉ đạo các cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức lễ hội, ban tổ chức lễ hội ở địa phương ban hành quy chế làm việc của Ban Tổ chức lễ hội; chịu trách nhiệm về hoạt động của Ban Tổ chức lễ hội, về công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định; quản lý và sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch, đúng mục đích theo quy định tại Thông tư số 04/2023/TT-BTC, ngày 19/01/2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội; bố trí hợp lý nơi thắp hương bảo đảm an toàn và phòng, chống cháy nổ tại các di tích; thực hiện việc quản lý, đốt vàng mã đúng nơi quy định; bố trí nơi chứa rác thải, nhà vệ sinh bảo đảm tiện lợi cho nhân dân; sắp xếp hệ thống hàng quán dịch vụ khoa học, hợp lý, nơi trông giữ phương tiện giao thông thuận tiện cho nhân dân; nghiêm cấm mua bán ấn phẩm văn hóa chưa được phép lưu hành, phối hợp với chính quyền địa phương bảo đảm an ninh trật tự, xóa bỏ các tệ nạn xã hội…
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện. Giao Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình, kết quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh năm 2024./.