Hiện nay toàn tỉnh đã có 111/210 xã, phường, thị trấn có hệ thống bản đồ địa chính chính quy hoàn chính đáp ứng yêu cầu công tác quản lý Nhà nước về đất đai theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường với tổng diện tích được đo đạc là 392.893 ha, chiếm 85,2% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Công tác đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đã hoàn thành đo vẽ bản đồ địa chính tỷ lệ 1/10.000 với khối lượng là 316.708 ha; diện tích giao đất là 215.492 ha; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 130.554 giấy.
Bên cạnh đó, đến nay cũng đã cơ bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng các loại đất cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho người sử dụng đất có giấy tờ hợp pháp để thực hiện các quyền theo quy định: đã cấp được 424.871 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các loại với diện tích 229.340 ha, đạt 80,73% diện tích cần cấp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất. Ngoài ra, có 104 doanh nghiệp đang tham gia hoạt động khoáng sản với 117 mỏ đã được cấp phép hoạt động, trong đó có 85 mỏ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, xi măng; 23 mỏ khoáng sản kim loại sắt (sắt, vàng, đồng, antimony, cao lanh); 8 mỏ khoáng sản nhiên liệu (than đá). UBND tỉnh cũng đã phê duyệt 64 mỏ thăm dò làm vật liệu xây dựng thông thường, các chủ mỏ đang hoàn thiện hồ sơ để trình phê duyệt giấy phép khai thác. Điều đáng nói là công tác bảo đảm an toàn cho việc khai thác các mỏ khoáng sản, bảo vệ môi trường, kiểm tra, xử lý các địa điểm khai thác khoáng sản trái phép, các dự án khai thác đã được cấp phép nhưng không tổ chức khai thác luôn được kiểm tra định kỳ và xử lý nghiêm nếu các tổ chức, cá nhân nào không thực hiện đúng quy định. Hơn nữa, công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và dự án cải tạo, phục hồi môi trường được tiến hành thường xuyên, chất lượng từng bước được nâng lên; kiên quyết xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh. Các chương trình, dự án bảo vệ môi trường được triển khai kịp thời, hiệu quả; các cơ sở phát sinh chất thải nguy hại đều được kê khai, đăng ký, quản lý, xử lý theo quy định hiện hành.
Tuy nhiên, công tác quản lý tài nguyên môi trường trên địa bàn tỉnh cũng còn gặp một số khó khăn cần tháo gỡ như quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp trên nhiều loại bản đồ và các loại tài liệu khác nhau nên không đồng nhất, độ chính xác chưa cao, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý đất đai. Việc thực hiện cấp giấy chứng nhận trước đây có nhiều huyện thực hiện chưa đúng với quy định, việc đính chính chậm thực hiện do khó khăn về kinh phí, dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý khi Nhà nước thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận. Kinh phí đầu tư cho cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ngân sách cấp huyện đảm nhiệm nhưng không bảo đảm được. Đến nay, tỉnh Hòa Bình còn 50 xã đã đo đạc địa chính chính quy nhưng chưa thực hiện cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận theo kết quả đo đạc bản đồ địa chính. Đặc biệt, các điểm quặng kim loại thường phân tán nhỏ lẻ tại các xã vùng sâu, xa, đi lại khó khăn gây bất lợi cho công tác quản lý. Việc xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại một số địa phương chưa được kịp thời; một số cá nhân, tổ chức chưa thực hiện nghiêm túc theo dự án đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. Công tác quản lý chất thải và công nghệ xử lý chất thải ở một số loại hình sản xuất còn hạn chế, dẫn đến chưa thực sự chủ động trong công tác hướng dẫn hoặc công tác thanh kiểm tra đối với các doanh nghiệp. Mặt khác, chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường rất phức tạp đòi hỏi phải có những căn cứ đo đạc và phân tích khoa học với các thành phần môi trường trong các hoạt động đời sống và sản xuất. Các tài liệu, cơ sở dữ liệu cơ bản, thông tin về tài nguyên nước trên lưu vực có rất ít thông tin. Các phương tiện, trang thiết bị, mạng lưới quan trắc đo đạc chất lượng nước, phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước tại địa phương còn rất thiếu. Còn tình trạng các dự án đầu tư, các cơ sở khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép, hoặc xả nước thải nhưng không đầu tư xử lý, hoặc xử lý không triệt để, gây ô nhiễm nguồn nước…
Để khắc phục những tình trạng này, thời gian tới Sở Tài nguyên và Môi trường sễ quản lý tốt các hoạt động, các dự án khai thác tài nguyên, bảo đảm khai thác hợp lý, có hiệu quả, bền vững và không gây ô nhiễm môi trường; thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, nhất là đối với các dự án sản xuất kinh doanh, các khu cụm công nghiệp, các đô thị, bảo đảm môi trường trong sạch. Tổ chức khai thác hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên môi trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường; ngăn chặn việc khai thác trái phép, khai thác lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên; giảm thiểu mức độ gia tăng ô nhiễm, phục hồi suy thoái và nâng cao chất lượng môi trường; tăng cường kiểm tra đối với các dự án khai thác đã cấp phép nhưng không tổ chức khai thác để xử lý theo quy định; kiên quyết xử lý các địa điểm khai thác khoáng sản trái phép; kiểm tra việc bảo đảm an toàn cho việc khai thác các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh, làm tốt công tác bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân đang hoạt động khoáng sản…