Trong thời gian qua, giá mặt hàng phân bón đặc biệt là phân bón vô cơ trong nước và thế giới liên tục ở mức cao, nguồn cung hạn chế và dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Trước tình trạng này, nguy cơ sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc sẽ gia tăng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân. Thực hiện Chỉ thị số 653/CT-BNN-BVTV ngày 25/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả; Chỉ thị số 117/CT-BNN-BVTV ngày 07/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hòa Bình yêu cầu:
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về vai trò, tác dụng lâu dài của phân bón hữu cơ và việc sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả; tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ và các nguồn vật liệu hữu cơ để thay thế một phần phân bón vô cơ theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện sản xuất trồng trọt của địa phương. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể tại địa phương thực hiện tuyên truyền, vận động người dân tận dụng nguồn nguyên liệu hữu cơ sẵn có tại địa phương đẩy mạnh sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi (phân đại gia súc, phân gia cầm...); không đốt bỏ rơm rạ, tàn dư thực vật trên đồng ruộng, phát động Phong trào thu gom chế biến thành phân bón hữu cơ phục vụ nhu cầu sản xuất.
Ưu tiên nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng, phát triển những mô hình sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ phù hợp, hiệu quả với từng cây trồng cụ thể nhằm khuyến cáo áp dụng đại trà trên địa bàn.
Tập trung thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về kinh doanh phân bón theo kế hoạch đã ban hành; bố trí kinh phí, nhân lực lấy mẫu kiểm tra chất lượng phân bón, tập trung các loại phân bón hỗn hợp NPK, phân bón hữu cơ. Giám sát các hoạt động quảng cáo, hội thảo phân bón tại địa phương theo quy định.
Xử lý các trường hợp vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, phân bón chưa được công nhận lưu hành, các hành vi gian lận trong ghi nhãn, trục lợi đẩy giá phân bón lên cao; thông báo công khai tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tăng cường hướng dẫn, phổ biến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phân bón, nhất là phân bón hữu cơ cho cán bộ chuyên môn cơ sở, người sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón. Rà soát, hướng dẫn các cơ sở buôn bán phân bón hoàn thiện các điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón trên địa bàn. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp cơ sở tăng cường tập huấn, hướng dẫn sử dụng phân bón cân đối, an toàn, hiệu quả. Tăng cường áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn trên địa bàn toàn tỉnh.
Thực hiện tốt các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch; tổ chức kiểm tra đột xuất cơ sở khi phát hiện dấu hiệu vi phạm; bố trí kinh phí lấy mẫu phân tích chất lượng phân bón. Xử lý nghiêm hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón; thông báo công khai tổ chức, cá nhân vi phạm.
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan thực hiện rà soát, đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón trên địa bàn tỉnh; đề xuất những giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ.
Sở Công Thương. Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình, các sở, ngành liên quan: Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao chủ động tham mưu các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trên địa bàn tỉnh./.