
Trong 5 tháng đầu năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Sở Tài chính thẩm định dự toán kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2024. Thực hiện xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục công trình, kế hoạch diện tích tưới, tiêu được hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi năm 202 , theo kế hoạch xây dựng bao gồm tổng cộng 1.917 công trình thủy lợi (hồ đập, bai, trạm bơm, trạm thủy luân) phục vụ cho khoảng 57.350 ha diện tích tưới tiêu và nuôi trồng thủy sản. Chỉ đạo và đôn đốc các đơn vị xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện chiến dịch toàn dân làm thủy lợi đợt 1. Kết quả đợt 1 toàn tỉnh đã triển khai với khối lượng là 298.091 m3 đất đào đắp, phát dọn 1.622.761 m2 kênh mương, 5.000 m3 đá xây. Ước tính ngày công huy động 330.985 công, tương ứng với kinh phí 23,17 tỷ đồng, đạt 101,6% so với kế hoạch.
Thực hiện kiểm tra, đánh giá hiện trạng an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi trước mùa mưa, lũ năm 2024. Đối với hệ thống hồ chứa trước mùa mưa lũ năm 2024, trên toàn tỉnh hiện có 544 hồ chứa thủy lợi các loại, trong đó có 474 hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập (49 hồ lớn, 151 hồ đập loại vừa, 274 hồ đập loại nhỏ) và 70 hồ chứa không thuộc phân loại hồ tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP. Qua báo cáo của các huyện, thành phố, Công ty Khai thác công trình thủy lợi, phần lớn các công trình đập, hồ chứa nước trên địa bàn các huyện được đánh giá đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ năm 2024. Hiện tại còn một số công trình bị hư hỏng cần được tiếp tục sửa chữa nâng cấp để đảm bảo an toàn. Theo rà soát toàn tỉnh có 176 hồ bị hư hỏng xuống cấp, 368 hồ còn lại hoạt động bình thường. Số lượng hồ đập hư hỏng xuống cấp chiếm 31,8% tổng số hồ chứa toàn tỉnh, trong đó có 29 công trình đang được đầu tư sửa chữa từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và nguồn vốn WB8. Các công trình hư hỏng, xuống cấp cần nâng cấp sửa chữa có 147 hồ, đập chứa nước thủy lợi; các hồ đập bị hư hỏng ở các hạng mục như thấm qua thân và nền đập, lún, nứt, sạt trượt mái dốc, xói lở thượng hạ lưu, hư hỏng, xói lở tràn hoặc tràn không đảm bảo khả năng thoát lũ, rò rỉ cống lấy nước… cần phải có kế hoạch để sửa chữa trong thời gian tới với tổng kinh phí dự kiến 699.750 triệu đồng. Trong đó các công trình cần được ưu tiên đầu tư sửa chữa cấp bách gồm 11 công trình với tổng kinh phí dự kiến 116.000 triệu đồng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn xảy ra rét đậm, rét hại, động đất, mưa lớn kèm theo giông, lốc, mưa đá kèm gió giật mạnh đã gây thiệt hại 02 người bị thương. Tổng số nhà bị thiệt hại 428, trong đó thiệt hại hoàn toàn trên 70% là 31 nhà, thiệt hại rất nặng từ 50-70% là 37 nhà, thiệt hại nặng từ 30-50% là 01 nhà, thiệt hại một phần dưới 30% là 359 nhà. Tổng diện tích nông nghiệp bị thiệt hại khoảng 478,5 ha. Thiệt hại về chăn nuôi 49 con gia súc, 128 con gia cầm bị chết. Thiệt hại về thủy lợi 45 m kênh mương bị sạt trôi, hư hỏng. Thiệt hại về giao thông 25m đường giao thông địa phương bị hư hỏng. Thiệt hại về thủy sản 2 lồng cá (mỗi lồng 75 m3). Đổ gẫy 13 cột điện hạ thế và một số thiệt hại khác. Ước giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong 5 tháng đầu năm 2024 là khoảng trên 55 tỷ đồng.
Thực hiện kiểm tra, báo cáo đánh giá hiện trạng an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi trước mùa mưa, lũ năm 2024. Đôn đốc các địa phương, đơn vị đảm bảo an toàn các hồ, đập trên địa bàn các huyện, thành phố; tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa, lũ năm 2024. Phê duyệt danh mục công trình, kế hoạch diện tích tưới tiêu được hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi năm 2024. Kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình hồ Đầm Sống, xã Phú Lai, huyện Yên Thủy; hệ thống hồ chứa nước hồ Rộc Cằm, hồ Hồi Công, hồ Bai Khi, xã Sào Báy, huyện Kim Bôi; hồ Sòng Nước, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy; hồ Hói Kha, hồ Rộc Kháo, hồ Tuân Lộ thuộc tiểu dự án 2, Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8). Công tác kiểm tra các tuyến đê cấp III và các cống dưới đê Đà Giang, đê Quỳnh Lâm, đê Ngòi Dong được thực hiện thường xuyên để kịp thời ngăn chặn các vi phạm Luật Đê điều, phát hiện các sự cố, hư hỏng và kịp thời khắc phục.
Trong 7 tháng cuối năm 2024, tỉnh tăng cường công tác quản lý Nhà nước về công trình thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai và nước sạch nông thôn. Tiếp tục triển khai đôn đốc các địa phương, đơn vị về công tác thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất các vụ trong năm 2024. Tiếp tục triển khai, tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Thủy lợi, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều. Chỉ đạo, điều hành đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi, đê điều trước, trong và sau mùa mưa lũ năm 2024; cải tạo sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng do mưa bão. Duy trì chế độ kiểm tra đê thường xuyên và kiểm tra đột xuất đối với các tuyến đê cấp III và đê cấp IV. Đôn đốc các địa phương thực hiện quy định của Luật Đê điều. Kiểm tra, giám sát việc thi công dự án duy tu, bảo dưỡng đê điều năm 2024. Chỉ đạo và đôn đốc các đơn vị xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện chiến dịch toàn dân làm thủy lợi năm 2024. Tổ chức tốt việc thường trực phòng, chống thiên tai, kịp thời xử lý thông tin theo thẩm quyền. Theo dõi, đôn đốc thu nộp Quỹ phòng, chống thiên tai. Xây dựng phương án phòng chống thiên tai trong mùa mưa lũ 2024 và rà soát các điểm dân cư có nguy cơ sạt, trượt để có phương án đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân trên địa bàn tỉnh./.