Hiện nay, ở khu vực đô thị và nông thôn, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình, chợ, nhà kho, trường học... có thành phần chủ yếu là chất hữu cơ dễ phân hủy với độ ẩm thường trên 60%, những năm gần đây lượng túi ni lông và nhựa xuất hiện ngày càng nhiều trong thành phần chất thải rắn sinh hoạt.
Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 3750/QĐ-UBND ngày 03/8/2023 đề án phân loại rác tại nguồn giai đoạn 2023-2025 định hướng đến năm 2030. Đến nay, trên địa bàn thành phố Hòa Bình phong trào chống rác thải nhựa, vệ sinh môi trường vào Thứ 7 xanh, sạch, đẹp hàng tuần đã dần đi vào nề nếp, ý thức người dân được nâng lên, một số cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố đã có túi nilon tự phân hủy bán ra thị trường cho người dân sử dụng. Trong 03 năm qua, 100% các phòng ban chuyên môn, các ngành, đoàn thể, UBND các phường, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến hưởng ứng phong trào phòng chống rác thải nhựa tới toàn thể các tầng lớp nhân dân, cán bộ công nhân viên chức, người lao động. Trong các cuộc họp, hội nghị của thành phố đã không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. Hiện tại công tác phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn có mô hình thí điểm tại phường Dân Chủ và Tân Hòa.
Bên cạnh đó, nhằm bảo vệ môi trường, Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình đã triển khai các nội dung chung tay hành động đẩy lùi rác thải nhựa, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa trên địa bàn thành phố. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc tổ chức, thực hiện Chỉ thị và Kế hoạch về công tác quản lý chất thải rắn tại các phường, xã trên địa bàn.Các cơ quan, các phường, xã đã chủ động ban hành các quyết định hoặc chỉ thị về giảm thiểu chất thải nhựa; về tăng cường quản lý sử dụng và thải bỏ túi ni lông khó phân hủy; tăng cường tái sử dụng túi nilon, phân loại và đem đến các các điểm thu gom, thu hồi túi ni lông hoặc chuyển giao cho đơn vị thu gom rác sinh hoạt. Hiện nay nhiều siêu thị, cửa hàng trên địa bàn thành phố đã sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường thay cho túi nilon khó phân hủy.
Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm hơn trước; công tác phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp trong việc phổ biến tuyên truyền kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu được tổ chức thường xuyên với nhiều hoạt động thiết thực hiệu quả; việc nhân rộng các mô hình “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” đã được triển khai và lan tỏa sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị cũng như trong sinh hoạt gia đình. Việc đầu tư quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường luôn được quan tâm. Ý thức chấp hành pháp luật và phong trào vệ sinh môi trường dần đi vào nề nếp, bước đầu kiềm chế gia tăng ô nhiễm, khắc phục tình trạng suy thoái môi trường, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; góp phần không nhỏ vào Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới của thành phố. Thời gian qua, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố tăng dần theo từng năm, cùng với đó là lượng chất thải nhựa và túi ni lông cũng được thu gom, tái chế, đã góp phần hạn chế sự phát sinh vi nhựa trong môi trường.
Chất thải rắn sinh hoạt hầu hết đã cơ bản được phân loại tại nguồn, tuy nhiên việc thu gom chưa phân loại riêng từng lọai. Ở các xã vùng dân cư có vườn rộng thì hầu như đã phân loại được rác hữu cơ, rác tái chế (hộ tự gom để bán cho cơ sở thu mua) và đơn vị thu gom chỉ phải vận chuyển rác vô cơ. Cơ sở hạ tầng, thiết bị, phương tiện thiết yếu phục vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH để phân loại rác chưa được chú trọng đầu tư đồng bộ.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình, tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH tại khu vực đô thị và khu vực nông thôn là 93%. Trong đó, tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH tại khu vực đô thị đạt 100%. Tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH tại khu vực nông thôn đạt khoảng 80%. Chất thải rác sinh hoạt được thu gom, vận chuyển bằng thiết bị, phương tiện chuyên dụng, đảm bảo và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định. Hiện nay, trung bình hàng ngày trên địa bàn thành phố Hòa Bình phát sinh khoảng 80-85 tấn rác thải sinh hoạt. Toàn bộ lượng rác thải phát sinh hàng ngày được vận chuyển về xử lý bằng phương pháp đốt tại Công ty Cổ phần môi trường công nghệ cao Hòa Bình. Về việc thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hòa Bình được giao cho Công ty cổ phần môi trường đô thị Hòa Bình thực hiện. Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 64 điểm cẩu vít, tập kết xe rác của Công ty cổ phần môi trường đô thị Hòa Bình chủ yếu dọc trên các tuyến đường chính của trung tâm thành phố với hơn 500 xe gom đẩy rác. Việc tập kết xe gom rác của Công ty CP môi trường đô thị Hòa Bình là tạm thời, thời gian lưu giữ ngắn trước khi vận chuyển rác đưa đi xử lý. Tuy nhiên hiện nay do việc vận chuyển đi đến nhà máy xử lý rác tại Lạc Thủy xa, mất nhiều thời gian nên việc lưu rác trên các tuyến phố bị lưu lại lâu hơn. Ngoài ra, một số bộ phận người dân chưa có ý thức chủ động thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt; một số nơi, rác thải còn vứt bừa bãi nơi công cộng; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải nông thôn chưa cao; các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường hiện nay chưa được dùng phổ biến để thay thế túi nilông; chưa thực hiện được phân loại rác thải ngay tại nguồn do ý thức và thói quen của người dân và chưa có sự đầu tư đồng bộ trong việc thu gom, xử lý...Nguồn kinh phí phân cấp hỗ trợ cho công tác bảo vệ mội trường còn hạn hẹp. Công tác thu phí vệ sinh môi trường theo định giá của nhà nước còn gặp khó khăn./.