Công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu được thành phố Hòa Bình xác định là một trong những công tác quan trọng, nhiệm vụ thường xuyên, được rà soát, tăng cường hàng năm, từng bước được lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, các lĩnh vực. Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS các phường, xã, cơ quan, đơn vị được kiện toàn tổ chức, phân cấp rõ ràng, các thành viên Ban chỉ huy được phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể, hợp lý để chỉ đạo, điều hành từng lĩnh vực, từng địa bàn. Công tác chỉ huy, điều hành i bám sát diễn biến tình huống thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, phù hợp, sát thực tiễn của từng địa bàn, nhất là việc chủ động kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, ứng phó kịp thời với thiên tai tại cơ sở. Khi bão, lũ xảy ra, các cấp, ngành, các cơ sở quán triệt và thực hiện chỉ đạo ứng cứu xử lý giờ đầu với cơ chế chỉ huy tập trung, thống nhất giữa các cấp, các ngành. Lấy phòng tránh là chính trên cơ sở phát huy tốt, có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Đẩy mạnh công tác tuyên truyên, cắm biển cảnh báo các trọng điểm, các khu vực có nguy cơ cao về thiên tai trên địa bàn.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn kèm giông lốc, sạt lở đất trong năm 2023 đã làm hư hỏng nhà ở, hoa màu và một số công trình công cộng trên địa bàn thành phố. Thiệt hại về tài sản trị giá khoảng 4,12 tỷ đồng, ảnh hưởng đến các công trình giao thông, thủy lợi, nhà ở và các công trình, tài sản khác của Nhân dân. Các điểm sạt lở đất gồm khu vực dốc Cun, phường Thống Nhất với khối lượng lớn đất đá gây tắc nghẽn giao thông; khu tái định cư đồi Sim, tổ 17, phường Tân Thịnh; khu vực đường 433, xã Hòa Bình; khu tái định cư tại xóm Máy 1, xã Hòa Bình; nhiều đoạn đường sạt lở tại khu vực tổ Vôi, Tháu, phường Thái Bình; khu vực tổ 9, phường Tân Hòa đi xã Yên Mông; khu vực đầu cầu Đen, tổ 15, phường Đồng Tiến, ước tính thiệt hại 3,95 tỷ đồng. Ngập úng gây thiệt hại một phần 77,5 ha lúa; 22,5 ha ngô; 10 ha hoa màu, ước tính thiệt hại 130 triệu đồng. Ngập và tràn khoàng gần 1,4 ha ao cá; cuốn trôi khoảng 40 con vịt, ước tính thiệt hại 40 triệu đồng.
Trước ảnh hưởng thiệt hại do thiên tai gấy ra, UBND thành phố Hòa Bình đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị của thành phố thường xuyên kiểm tra trước, trong và sau các đợt mưa bão. Các địa phương đã chủ động thực hiện “phương châm 4 tại chỗ” ứng phó và xử lý giờ đầu các sự cố do mưa bão trên địa bàn phường xã. Đảm bảo kịp thời khắc phục các vùng trọng điểm bị ảnh hưởng như tổ 2, phường Quỳnh Lâm; tổ 10, phường Dân Chủ; xóm Tiểu Khu, xã Hòa Bình; tổ 13, phường Đồng Tiến, khu vực Cầu Ngòi Mại, xã Hợp Thành,... Cấp phát vật tư, xử lý công tác vệ sinh môi trường sau đợt áp thấp nhiệt đới; sớm ổn định đời sống các hợp tác xã nông nghiệp kịp thời hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, làm thủy lợi nội đồng kịp thời sản xuất nông nghiệp theo thời vụ. Chỉ đạo UBND các phường, xã và Ban quản trị các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thực hiện tốt việc tăng cường các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây trồng sau mưa lũ.
UBND thành phố Hòa Bình đã chỉ đạo cơ quan thường trực và UBND các phường, xã chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện với vật tư 3.000 chiếc bao tải; 1.000 chiếc cọc tre; 200 áo phao; 100 phao tròn cứu sinh; 100 chiếc cuốc, xẻng; 02 nhà bạt; 500m2 vải bạt; 01 máy phát điện; 30 đôi quang sọt sắt và các vật tư, dụng cụ khác; 15 máy bơm dầu cơ động. Hợp đồng đảm bảo phương tiện gồm 10 ô tô tải 5 - 10 tấn; 20 xe ô tô từ 20 - 45 chỗ; 02 máy xúc, 01 máy ủi, 01 xuồng máy cao tốc, 01 tầu 30CV (tại Đoạn quản lý đường sông số 9), 15 thuyền máy (Tại 03 HTX dịch vụ vận tải); 12 xe ô tô chỉ huy hộ đê và phòng, chống thiên tai. Chỉ đạo thực hiện dự trữ đủ cơ số lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh tối thiểu cho trên 100 người trong 07 ngày.
Năm 2024, theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá tập trung chủ yếu vào thời kỳ giao mùa trong tháng 4 và tháng 5, tuy nhiên thời tiết diễn biến phức tạp trong cả năm, ngay từ đầu năm thành phố Hòa Bình chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả khẩn trương, hiệu quả, trong đó lấy chủ động phòng, tránh là chính. Thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ hiệu quả là Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư và phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Chỉ đạo UBND 19 phường, xã và các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện phương án công tác PCTT - TKCN và PTDS sát với thực tế của địa phương và chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình; kiện toàn lại Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS, các tiểu ban giúp việc, phân công nhiệm vụ cụ thể của các thành viên. Triển khai thực hiện nghiêm túc công tác trực ban PCTT và TKCN năm 2024 theo quy định của Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS tỉnh Hòa Bình. Thực hiện rà soát, thống kê đảm bảo dự trữ đầy đủ cơ số vật tư, phương tiện; đảm bảo dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh chủ yếu tối thiểu 07 ngày cho tất cả hộ dân trên địa bàn phường, xã; dữ trữ đủ thuốc khử trùng nước uống và khử trùng môi trường. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS các cấp phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc công tác thường trực PCTT và TKCN trên địa bàn của mình và lĩnh vực được giao. Thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo định kỳ hàng tháng và báo cáo đột xuất trước, trong và ngay sau các đợt bão, mưa, lũ, thiên tai. Chủ động huy động nguồn lực tại chỗ để khắc phục hậu quả khẩn trương, hiệu quả, nhanh chóng ổn định tình hình sản xuất, dịch vụ và đời sống nhân dân địa phương. Khẩn trương khắc phục các công trình thủy lợi, giao thông để đảm bảo ổn định dân sinh, phát triển kinh tế. Thường xuyên kiểm tra rà soát, bổ sung hoàn thiện phương án PCTT và TKCN sát với thực tế của đơn vị mình để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả tốt.
Bên cạnh đó, đánh giá hiện trạng và xác định trọng điểm xung yếu cho 02 tuyến đê cấp IV (Trung Minh và Phú Cường); xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án đảm bảo an toàn cho 02 tuyến đê trên. Tăng cường tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị, các hộ kinh doanh trên địa bàn tổ chức kiểm tra, rà soát hệ thống phòng cháy chữa cháy, các điểm có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao như cây xăng, chợ, siêu thị để đảm bảo an toàn. Chủ động kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng trên địa bàn, tiếp tục tuyên truyền đến nhân dân thực hiện đúng các quy định của pháp luật về phòng chống cháy nổ. Tuyên truyền vận động người dân không tự ý tắm, bơi lội tại khu vực hạ lưu sông Đà. Cắm biển cảnh báo cho người dân tại các điểm có xoáy nước, nước sâu không đảm bảo an toàn. Tăng cường thông tin truyền thông trên hệ thống phát thanh ở các tổ dân phố, xóm cho người dân hiểu và thấy được việc mất an toàn khi tự ý tắm, bơi lội trên sông./.