DetailController

Quốc phòng - An ninh

Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh năm 2022

06/01/2022 00:00
Theo nhận định của cơ quan khí tượng Thủy văn tỉnh trong năm 2022 diễn biến thiên tai tiếp tục có diễn biến bất thường, không theo quy luật. Để chủ động ứng phó với tình hình diễn biến bất thường, phức tạp, khó lường của thiên tai năm 2022, ngày 5/1/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, phòng chống mưa lũ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2022.

Do đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; chỉ đạo xây dựng, tổ chức phê duyệt phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai được quy định; khẩn trương củng cố, kiện toàn phân công nhiệm vụ và giao nhiệm vụ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai các cấp hoàn thành trong quý I năm 2022; tổ chức, thực hiện công tác Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tại địa phương theo phương châm “bốn tại chỗ”; tiến hành rà soát, thống kê cụ thể vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, các tuyến đường đi qua ngầm, tràn để chủ động phương án ứng phó và có kế hoạch thiết lập hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm cho nhân dân được biết để chủ động phòng, tránh; rà soát, tổ chức lực lượng chuyên trách về công tác phòng, chống thiên tai cấp huyện, tổ chức tập huấn cho các đội xung kích Phòng chống thiên tai cấp xã; xử lý dứt điểm các tổ chức, cá nhân khai thác trái phép, kinh doanh, tập kết cát, sỏi, vật liệu xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều và ở bãi sông, lòng sông, hoàn trả hiện trạng trước ngày 15/5/2022; lập phương án chống hạn và triển khai phương án chống hạn để đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp; sử dụng các nguồn vốn phù hợp và nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để sớm triển khai khắc phục cơ sở hạ tầng bị thiệt hại do thiên tai và người dân năm 2021 và các năm trước,...

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo dõi, đôn đốc các địa phương, Sở, ban, ngành thực hiện lập Phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai và Kế hoạch phòng chống thiên tai 5 năm, hàng năm; thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết để tham mưu, chỉ đạo, điều hành tốt công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; kịp thời tổng hợp thiệt hại do thiên tai gây ra, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời, đề xuất phân bổ nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và quỹ phòng chống thiên tai tỉnh, quỹ phòng chống thiên tai Trung ương phân bổ để khắc phục các hư hỏng do thiên tai theo quy định hiện hành; tổ chức thường trực phòng chống thiên tai 24/24 giờ, thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình thiên tai về Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn và các địa phương xây dựng kế hoạch hiệp đồng, phương án bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu giúp người dân khi thiên tai xảy ra và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; rà soát, điều chỉnh phương án bố trí nhân lực, phương tiện, thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn và hướng dẫn lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã cho các địa phương.

Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng của ngành, phối hợp với các địa phương có phương án đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trước, trong và sau thiên tai; bố trí lực lượng phối hợp với các lực lượng giao thông và các địa phương tổ chức chốt chặn những vị trí trên các tuyến giao thông huyết mạch có nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện khi xảy ra thiên tai.

Các Sở, ban, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ để chủ động tổ chức thực hiện tốt công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra trong phạm vi đơn vị mình; đồng thời phải chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để sẵn sàng tham gia công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo chỉ đạo, điều động của Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Chủ đầu tư xây dựng các công trình lập phương án và triển khai phương ứng phó thiên tai cho công trình đang thi công, đảm bảo an toàn cho công trình, người, phương tiện và công trình lân cận, trong quá trình thi công xây dựng gửi các cấp chính quyền địa phương và cơ quan cấp trên để phối hợp, chỉ đạo khi có sự cố xảy ra; đôn đốc nhà thầu thi công tập trung nhân lực, máy móc thiết bị tiến hành thi công xây dựng các hạng mục chính, hạng mục phòng chống lũ, chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho công trình, người và tài sản trong phạm vi quản lý; cử người canh gác, cắm biển cảnh báo khu vực sạt trượt để người dân biết, phòng tránh, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, các Sở, ngành chuyên môn về quản lý công trình./.