DetailController

Tin từ các đơn vị

Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật

08/03/2023 17:30
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi, nhất là các bệnh truyền nhiễm truyền lây sang người (Cúm gia cầm, Dại động vật,…). Ngày 06/3/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp đã ban hành Công văn số 459 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện tốt một số nội dung: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng và nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Tổ chức thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm theo nội dung Quyết định số 559/QĐ-UBND ngày 21/3/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2019-2025. Chủ động bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn theo quy định.

Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không rõ nguồn gốc. Khẩn trương triển khai, tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh cho đàn động vật nuôi, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, Dại,… bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc xin. Chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và huy động nhân lực, nguồn lực tại chỗ xử lý triệt để dứt điểm các ổ dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây thiệt hại kinh tế, bức xúc cho người dân và cộng đồng.

Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất tại chuồng nuôi và khu vực chăn nuôi nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh, véc tơ truyền bệnh. Thành lập các Đoàn công tác tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật tại cơ sở.

Đề nghị Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện, góp phần bảo vệ và phát triển chăn nuôi của địa phương./.