DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Tăng cường công tác phòng chống bệnh lùn sọc đen hại lúa vụ Mùa 2023

28/07/2023 16:57
Ngày 28/7/2023, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Công văn số 2016/SNN-TTBVTV gửi Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh lùn sọc đen hại lúa vụ Mùa 2023.

Căn cứ công văn số 1861/BVTV-TV ngày 24/7/2023 của cục Bảo vệ thực vật về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh lùn sọc đen hại lúa vụ Mùa 2023. Vụ mùa 2023 toàn tỉnh gieo cấy được 21.830 ha lúa trà sớm giai đoạn cuối đẻ nhánh - đứng cái, trà chính vụ giai đoạn đẻ nhánh rộ. Đây là giai đoạn rất mẫn cảm với bệnh lùn sọc đen hại lúa, trên đồng ruộng tập đoàn rầy (rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ) đang gây hại nhẹ trên diện hẹp, rầy trưởng thành mật độ cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến rầy lứa 5 bắt đầu ra rộ từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa rào thời gian tới sẽ thuận lợi cho rầy nở và gia tăng mật độ, lứa rầy này không chỉ gây hại trực tiếp mà còn có thể lan truyền mạnh bệnh lùn sọc đen cho diện tích lúa sắp trỗ. Để chủ động phòng ngừa sự lây lan, bùng phát của tập đoàn rầy và bệnh lùn sọc đen, bảo vệ an toàn cho các vụ lúa năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị:

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở thực hiện các nội dung sau: Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn duy trì và thực hiện công tác theo dõi bẫy đèn, cập nhật diễn biến rầy trưởng thành vào đèn để dự báo thời điểm phát sinh và mật độ các lứa  rầy. Chủ động hỗ trợ kinh phí để  duy trì công tác dự tính, dự báo sinh vật hại cây trồng  (chi phí nhân công, vật tư, bảo vệ vv..).

Tổ chức tốt việc điều tra phát hiện trên đồng ruộng để giám sát biến động mật độ rầy; và sự xuất hiện của bệnh lùn sọc đen. Chủ động việc thu mẫu rầy lưng trắng và cây lúa nghi ngờ nhiễm bệnh để phân tích, tầm soát nguồn bệnh virus ngay từ đầu vụ tập trung ở các khu vực thường xuyên bị rầy gây hại hay những nơi ổ bệnh lùn sọc đen cũ.

Chủ động hỗ trợ kinh phí giám định mẫu lúa và mẫu rầy lưng trắng thu thập tại địa phương để giám định virus gây bệnh lùn sọc đen ngay từ đầu các vụ lúa để có cơ sở chỉ đạo phòng chống bệnh chính xác, kịp thời và hiệu quả.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn để hướng dẫn nông dân phát hiện và chủ động thực hiện các biện pháp kỹ thuật quản lý bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: Tăng cường phối hợp công tác điều tra phát hiện sớm, chính xác đối với bệnh lùn sọc đen hại lúa nhất là ở các khu vực từng bị bệnh lùn sọc đen gây hại nặng; trong trường hợp cần thiết, cán bộ ngành BVTV sẽ làm việc cả ngày lễ, ngày nghỉ để kịp thời nắm bắt, xử lý các tình huống phát sinh, kiên quyết không để bệnh mới xuất hiện, lây lan thành dịch trên diện rộng.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về tình hình sinh vật gây hại lúa Mùa, các biện pháp chăm sóc và phòng chống sâu bệnh cho lúa Mùa, đặc biệt là bệnh lùn sọc đen hại lúa tới người dân.

Trực tiếp liên hệ với các cơ sở sản xuất Test KIT giám định virus lùn sọc đen; tổng hợp các kết quả giám định virus lùn sọc đen hại lúa để báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT, Cục Bảo vệ thực vật.

Trung tâm Khuyến nông; Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi và thủy sản: Huy động lực lượng cán bộ kỹ thuật phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường công tác thông tin tuyên  truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật quản lý bệnh lùn sọc đen  hại lúa.

Đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai chỉ đạo thực hiện; giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật là đầu mối tham mưu, tổng hợp, báo cáo về Sở những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình chỉ đạo sản xuất để lãnh đạo Sở biết, chỉ đạo thực hiện./.