DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại ở người

26/02/2024 10:55
Tính từ ngày 01/01/2024 đến 20/02/2024, cả nước đã xảy ra 17 ca tử vong nghi dại/do dại ở 13 tỉnh/thành phố, tăng 8 ca so với cả nước cùng kỳ năm 2023 (09 ca). Tại địa bàn tỉnh Hòa Bình ngày 20/02/2024 đã có 01 ca tử vong do bệnh dại tại huyện Lạc Sơn, theo kết quả điều tra trường hợp tử vong này bị chó nghi dại cắn trước đó khoảng 02 tháng nhưng không được xử lý vết thương và không được tiêm vắc xin/huyết thanh phòng bệnh dại. Mặt khác hiện nay nước ta chuẩn bị đến thời điểm bệnh dại vào mùa cao điểm trong khi việc quản lý, tiêm phòng và kiểm soát bệnh dại cho các đàn chó, mèo nuôi hiện nay còn nhiều khó khăn, hạn chế, vì vậy nguy cơ bùng phát bệnh dại trong thời gian sắp tới hoàn toàn có thể xảy ra.

Để chủ động tăng cường công tác phòng chống bệnh dại trên người, đặc biệt nhằm hạn chế tối đa xảy ra các trường hợp tử vong do bệnh dại trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh, ngày 22/02, Sở Y tế đã có Công văn số 447/SYT-NVY về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại ở người. Theo đó,  đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường triển khai quản lý và tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo nuôi theo các nội dung tại Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 25/02/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Tăng cường triển khai giám sát bệnh dại trên động vật nhằm phát hiện sớm các ổ dịch dại ở động vật trong cộng đồng để xử lý triệt để nhằm hạn chế tối đa việc lây truyền sang người. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các cơ quan truyền thông xây dựng các tài liệu truyền thông về phòng chống bệnh dại, giám sát, xử lý ổ dịch, chia sẻ thông tin và các biện pháp phòng, chống bệnh dại. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế cùng cấp trong hoạt động phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 giữa Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sở Thông tin và Truyền thông; Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Hòa Bình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Y tế tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền, truyền thông nhằm nâng cao trách nhiệm và nhận thức của người dân về tính chất nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp phòng chống bệnh dại ở người và động vật: Tuyên truyền về các biện pháp phòng bệnh dại cho người sau khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm trên da bị tổn thương,… để người dân chủ động sớm thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng (rửa vết thương, tiêm vắc xin phòng dại và sử dụng huyết thanh kháng dại theo chỉ định/hướng dẫn của cán bộ y tế và các biện pháp khác theo hướng dẫn của ngành Y tế).Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển kinh doanh chó, mèo thực hiện các biện pháp quản lý và phòng bệnh trên đàn chó, mèo nuôi theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát việc xây dựng kế hoạch, tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, các biện pháp phòng chống bệnh dại theo Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 25/02/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2022-2030. Tăng cường công tác quản lý tốt các đàn chó, mèo: Yêu cầu các tổ chức, cá nhân nuôi chó, mèo phải thực hiện: Đăng ký việc nuôi chó, mèo; nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình. Chó, mèo khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường; tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo theo quy định. Triển khai ký cam kết thực hiện 5 không: “không nuôi chó mèo không tiêm phòng dại”, “không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương”, “không nuôi chó thả rông”, “không để chó cắn người”, “không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường”.

Chỉ đạo và triển khai các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao trách nhiệm và nhận thức của người dân về tính chất nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp phòng chống bệnh dại, trong đó cần tập trung: Tuyên truyền đến mọi người dân về các biện pháp phòng bệnh dại cho người sau khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm vào vết thương trên cơ thể,… để người dân chủ động sớm thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng (rửa vết thương, tiêm vắc xin phòng dại và sử dụng huyết thanh kháng dại theo chỉ định/hướng dẫn của cán bộ y tế); Tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển kinh doanh chó, mèo trong từng thôn, xóm, xã, phường thực hiện các biện pháp quản lý và phòng bệnh trên đàn chó, mèo nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y.

 Chủ động phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo, giám sát việc duy trì điểm tiêm vắc xin, tổ chức tiêm phòng và điều trị dự phòng bệnh dại cho người bị động vật cắn. Tăng cường chỉ đạo việc phối hợp giữa y tế, thú y và chính quyền các cấp nhằm giám sát và phát hiện sớm các ổ dịch dại hoặc nghi dại trên động vật để có biện pháp xử lý kịp thời, triệt để hạn chế lây nhiễm bệnh dại sang người.

Các Sở, Ban, Ngành và các tổ chức, đoàn thể tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc, các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia và tích cực tham gia thực hiện các nội dung theo Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 25/02/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2022-2030./.