Nội dung triển khai gồm: Tiếp tục thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp về phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục học sinh, sinh viên; phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật; giáo dục đạo đức, lối sống; văn hóa ứng xử, kỹ năng sống,..đã được quy định tại các văn bản của Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Kế hoạch số 194/KH-UBND ngày 10/12/2019 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về triển khai Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020 - 2025 tỉnh Hòa Bình; Kế hoạch số 92/KHUBND ngày 28/4/2023 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 01/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường trên địa bàn tỉnh Hoà Bình; Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 15/5/2023 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Hoà Bình.
Các Sở, Ban ngành, chính quyền địa phương tăng cường phối hợp với ngành Giáo dục, các cơ sở giáo dục, đào tạo trong phòng, chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên. Tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự xã hội khu vực xung quanh trường học và tại các địa phương. Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh phải là hoạt động thường xuyên, liên tục.
Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các nhà trường trên địa bàn tăng cường công tác quản lý học sinh trong khuôn viên nhà trường. Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp xã tăng cường quản lý học sinh ngoài khuôn viên nhà trường. Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc để xảy ra tình trạng bạo lực học đường ở khu vực, địa bàn quản lý. Đối với những khu vực đông dân cư, tại các nhà trường có số lượng học sinh đông, khi học sinh đến trường và tan trường, Tổ bảo vệ phu phố, Công an khu vực, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên … cùng vào cuộc, phân công hướng dẫn học sinh đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, tránh các xung đột.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhân rộng các mô hình phối hợp hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Công tác tuyên truyền cần xây dựng kế hoạch cụ thể với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế; có chuyên trang, chuyên mục, các bài viết/thông tin về đạo đức, lối sống, kỹ năng sống… cho học sinh, sinh viên. Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện tại các thôn/bản/tổ dân phố để tất cả các gia đình, các tổ chức chính trị xã hội, các tầng lớp nhân dân đều biết, đều nắm bắt và cùng vào cuộc. Phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành xây dựng và đồng bộ hoá hệ thống dữ liệu quản lý thông tin học sinh, sinh viên trên địa bàn để theo dõi, kịp thời tiếp nhận thông tin, phối hợp xử lý và thống kê, báo cáo về tình hình vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực học đường,..
Tổ chức kiểm tra, đánh giá về công tác phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong các nhà trường; thực hiện tốt chế độ giao ban về công tác an ninh, trật tự, an toàn trường học.
Bố trí nguồn kinh phí để thực hiện công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp về công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường,.. theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, từng địa phương. Thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo.
UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện, hằng năm báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch này. Là đầu mối hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc; theo dõi, tổng hợp công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh; báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quy định. Gắn việc thực hiện Kế hoạch với việc tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; quan tâm, bồi dưỡng tâm hồn, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, học sinh thông qua các hoạt động trải nghiệm, các câu lạc bộ, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong và ngoài nhà trường để giúp các em tránh xa bạo lực học đường, các tệ nạn xã hội. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng trường học hạnh phúc, trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn; trường học không khói thuốc; thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch, Đề án, Chương trình và các văn bản liên quan.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục kỹ năng sống; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên, nhân viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý, công tác Đoàn, Hội, Đội về kỹ năng ứng xử với mạng xã hội liên quan đến bạo lực học đường, giáo dục an toàn, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội đối với trẻ em, học sinh, sinh viên; tăng cường kỹ năng xử lý các tình huống có liên quan tới việc phát sinh bạo lực học đường. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với chính quyền, công an địa phương thực hiện tốt chế độ giao ban về công tác an ninh, trật tự, an toàn trường học, thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình bạo lực học đường, các trường hợp học sinh, sinh viên cá biệt, có biểu hiện vi phạm pháp luật. Tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường với gia đình bằng các phương thức phù hợp để cùng phối hợp giáo dục, rèn luyện học sinh, sinh viên. Tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa học đường, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên thông qua câu lạc bộ, các phong trào học tập, nghiên cứu, hoạt động ngoại khoá … trong học sinh sinh viên. Tổ chức sơ, tổng kết, đánh giá, biểu dương, ghi nhận và khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt trong nhân rộng mô hình phối hợp tiêu biểu, hiệu quả của đơn vị, ban ngành, tổ chức, đoàn thể tại địa phương./.