1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo chính quyền cơ sở và các cơ quan chuyên môn trực thuộc thực hiện:
- Giao trách nhiệm cụ thể cho Chủ tịch UBND cấp xã; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trong việc tập trung chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh một cách hiệu quả; kiên quyết không để bùng phát thành dịch.
- Tập trung cho công tác kiểm tra đồng ruộng; đánh giá, thống kê diện tích nhiễm sâu bệnh và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp với từng đối tượng.
- Tăng cường khuyến cáo nông dân, chủ tài nguyên thực vật chủ động kiểm tra đồng ruộng của mình để phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh và thông báo cho cơ quan chức năng.
- Chủ động nguồn ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để hỗ trợ công tác phòng trừ sinh vật gây hại. Chỉ đạo sát sao quá trình thành lập, đi vào hoạt động của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện không lơ là, bỏ sót nhiệm vụ điều tra, phát hiện và chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh của các Trung tâm này.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện:
- Hệ thống bảo vệ thực vật duy trì nghiêm túc, hiệu quả công tác điều tra, phát hiện tình hình dịch hại và tham mưu, đề xuất biện pháp xử lý kịp thời; Duy trì tốt chế độ thông tin, báo cáo theo quy định…;
- Lực lượng thanh tra chuyên ngành phối hợp tốt với lực lượng quản lý thị trường trong quản lý các loại vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dịch covid 19 và sự xuất hiện của sâu bệnh để buôn bán, kinh doanh vật tư giả, kém chất lượng, tăng giá bất hợp lý.
3. Về việc tuân thủ quy định để đảm bảo an toàn trong thời gian cách ly xã hội vì dịch Covid-19:
- Khuyến cáo nông dân, chủ tài nguyên thực vật không tập trung đông người để trao đổi, thảo luận về tình hình sâu bệnh như thông thường mà chủ động liên lạc, cung cấp thông tin cho cán bộ chuyên ngành và cơ quan chuyên môn để được tư vấn, hướng dẫn trực tiếp.
- Cán bộ đi chỉ đạo, kiểm tra sản xuất phải trang bị đủ khẩu trang, nước sát khuẩn rửa tay; hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với người dân. Các vấn đề cần khuyến cáo, đôn đốc cơ sở được thực hiện qua điện thoại hay văn bản; sử dụng hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở để thông tin về tình hình sâu bệnh và biện pháp phòng trừ đến nông dân. Tăng cường sử dụng các phần mềm tra cứu trong chẩn đoán sâu bệnh và hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng hình thức tư vấn trực tuyến cho nông dân qua website chuyên ngành, zalo vv.
- Những trường hợp phải xử lý thuốc trên diện rộng, không huy động nông dân đồng loạt ra đồng thành tập trung đông người; nên tổ chức thành dịch vụ phun thuốc bằng thiết bị không người lái hay đội chuyên trách phun thuốc sử dụng máy phun công suất lớn.
4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Hòa Bình phối hợp tốt với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; thường xuyên đưa tin bài về biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại.
5. Đề nghị Hội Nông dân tỉnh; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo theo hệ thống, vào cuộc cùng cơ quan chuyên môn để nâng cao hiệu quả phòng, trừ sinh vật gây hại.
6. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, đề xuất những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết. Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện các nội dung trên; trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, kịp thời báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để kịp thời xử lý./.