Để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và Nhân dân về công tác Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, công tác tuyên truyền được tỉnh đặc biệt chú trọng, thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức khác nhau như: Tăng cường công tác tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về chăm sóc, bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em; đặc biệt chú trọng công tác tăng cường phòng, chống tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông... thông qua các văn bản chỉ đạo và các phương tiện truyền thông đại chúng; các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh phối hợp tuyên truyền, tập huấn, phát tờ rơi, sách mỏng tới cộng đồng nhằm bảo vệ trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em đang cách ly tại các khu cách ly tập trung, giới thiệu về Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111.
Công tác bảo vệ trẻ em được lồng ghép với việc theo dõi đánh giá việc thực hiện quyền trẻ em, công tác này được thực hiện ở cả 3 cấp độ: phòng ngừa, giảm thiểu và trợ giúp. Giảm thiểu số lượng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; tạo cơ hội cho trẻ em phát triển toàn diện cả về thể chất, tâm lý, tình cảm, nhận thức, đạo đức và xã hội. Hệ thống dịch vụ Bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, Trung tâm công tác xã hội tỉnh đã trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn cho cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp thực hiện các quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại theo đúng các quy định của Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em. Sau khi được can thiệp, hỗ trợ các em đã trở lại sinh hoạt bình thường và hòa nhập với cộng đồng.
Công tác chăm sóc trẻ em được đặc biệt quan tâm, thực hiện Đề án Vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình. Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh vận động, hỗ trợ đồ ấm, quà tết cho trẻ em tại một số xã khó khăn trên địa bàn tỉnh, qua đó đã tặng 1.777 suất cho trẻ em các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh, với tổng số tiền là 862 triệu đồng; Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm vận động, quyên góp và tổ chức thăm, tặng quà cho nh trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh với tổng giá trị quà và hiện vật là 823 triệu đồng.
Thực hiện Bảo vệ trẻ em trong đại dịch Covid-19, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh hỗ trợ 01 trẻ diện F0, 05 trẻ diện F1 có hoàn cảnh đặc biệt mỗi xuất trị giá 1.500.000 đồng. Ngoài ra Ban Bảo vệ trẻ em các xã, phường, thị trấn và các tổ chức chính trị xã hội đã hỗ trợ hàng nghìn xuất quà cho trẻ em diện F1, F2 cách ly tập trung và cách ly tại nhà. Đa số trẻ em diện F1 đã hết thời hạn cách ly tập trung được trở về nhà tiếp tục theo dõi sức khỏe.
Trong công tác giáo dục trẻ em, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh duy trì đạt chuẩn Phổ cập mẫu giáo mầm non cho trẻ 5 tuổi (số trẻ 5 tuổi đến lớp đạt 100%); đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%); đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 (Số thanh thiếu niên 15 đến 18 tuổi tốt nghiệp THCS đạt tỷ lệ 97,1%) và đạt chuẩn phổ cập giáo dục xóa mù chữ mức độ 2. Mục tiêu chăm lo giáo dục cho mọi trẻ em trên địa bàn tỉnh, chủ trương xã hội hoá giáo dục, các phong trào, cuộc vận động tiếp tục được quan tâm, thực hiện hiệu quả như: “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”, “Công tác phổ cập giáo dục xoá mù chữ; Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, Trường học an toàn... Bên cạnh đó, các hoạt động ngoại khóa giáo dục về các kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ trẻ em được triển khai thường xuyên như: Kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng phòng, chống xâm hại hại trẻ em, phòng, tránh tai nạn thương tích, phòng chống bạo lực học đường…
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong thời gian tới của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức do tỷ lệ trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt còn khá cao, bên cạnh đó, nguy cơ trẻ em bị tai nạn, thương tích, bị bạo lực, xâm hại vẫn còn cao, cùng với sự ảnh hưởng của môi trường mạng... đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm kiểm soát, ngăn ngừa, nhất là đối với trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn... Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Hướng tới mọi trẻ em nói chung đều được bình đẳng về cơ hội phát triển toàn diện trong môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện. Riêng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được giúp đỡ và chăm sóc kịp thời để có cơ hội phát triển./.