Đối với các huyện, thành phố: Thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; Củng cố, kiện toàn tổ chức thủy lợi cơ sở để đảm bảo công trình phải có chủ quản lý rõ ràng, cụ thể. Xác định rõ vai trò trách nhiệm của chủ đập trong công tác quản lý công trình thủy lợi và phòng chống thiên tai, đảm bảo đủ năng lực điều hành, ứng phó khi có tình huống xảy ra. Chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn rà soát, kiểm tra việc thực hiện quy trình vận hành công trình thủy lợi; đánh giá các nội dung không còn phù hợp để điều chỉnh, bổ sung nhằm bảo đảm vận hành an toàn công trình và vùng hạ du đập. Rà soát phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp. Tổ chức kiểm tra, bố trí nhân lực, vật tư và thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn đập; hướng dẫn, tuyên truyền và tổ chức diễn tập phương án ứng phó với các tình huống khẩn cấp, đặc biệt là vùng hạ du các đập, hồ chứa nước xung yếu, vùng hạ du là các khu đông dân cư.
Thực hiện nghiêm việc kiểm tra, đánh giá thực trạng an toàn công trình thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn. Trên cơ sở đó, lập danh mục các công trình hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn và bố trí kinh phí sửa chữa, khắc phục. Đôn đốc, kiểm tra các công trình thi công sửa chữa, nâng cấp đập, hệ thống tiêu thoát lũ, kè bảo vệ bờ bảo đảm an toàn trong mùa mưa 2020. Việc sửa chữa, nâng cấp các công trình phải bảo đảm hoàn thành tiến độ thi công vượt lũ, chống lũ; tuyệt đối không thi công sửa chữa công trình trong mùa mưa lũ. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thủy lợi nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, bảo đảm an toàn công trình, nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó của người dân ở vùng hạ du đập; tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ công trình thủy lợi.
Đối với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi, cần chủ động bố trí lực lượng đảm bảo thường xuyên theo dõi, kiểm tra công trình trước, trong và sau mùa mưa, lũ nhằm phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình để xử lý ngay từ đầu. Cập nhật thông tin vận hành hồ chứa tối thiểu 2 lần/ngày trong điều kiện thời tiết bình thường và 4 lần/ngày khi có mưa, lũ (trong trường hợp mực nước hồ cao hơn mực nước thiết kế phải quan trắc tối thiểu 1 lần/giờ) lên trang điện tử thu thập thông tin điều hành hệ thống thủy lợi của Tổng cục thủy lợi (địa chỉ: www.thuyloivietnam.vn). Tổ chức vận hành thử các trạm bơm tiêu, cống tiêu, cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ và bố trí đủ vật tư, thiết bị dự phòng, bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế trong trường hợp có sự cố vận hành; bố trí hệ thống thông tin, cảnh báo cho người dân ở hạ du khi xả lũ các hồ chứa. Nạo vét, khơi thông kênh hạ lưu các tràn xả lũ, hệ thống kênh tiêu để chủ động tiêu úng, thoát lũ khi có mưa lớn xảy ra.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn; tổng hợp kết quả kiểm tra, đánh giá an toàn công trình thủy lợi trước và sau mùa mưa, lũ, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định. Thường xuyên theo dõi diễn biến và kịp thời báo cáo khi có sự cố xảy ra.
Các sở, ngành, đơn vị khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp, giúp UBND tỉnh chỉ đạo và giải quyết các khó khăn để các địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, bảo đảm bảo an toàn công trình./.