DetailController

Giáo dục

Tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

06/01/2016 00:00
5 năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng và đang phát huy hiệu quả thiết thực. Dù là nghề nông nghiệp hay phi nông nghiệp, sau khi hoàn thành chương trình tại các lớp đào tạo nghề, phần lớn các học viên đã phát huy được nghề ngay tại địa phương hoặc hành nghề tại một số doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Làng nghề dệt thổ cẩm huyện Lạc Sơn duy trì dạy nghề thường xuyên cho người lao động

 Sau 5 năm triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn, toàn tỉnh đã tổ chức được 627 lớp dạy nghề theo các trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho 17.957 người. Trong đó, nhóm nghề phi nông nghiệp 10.016 người, nghề nông nghiệp 7.941 người. Công tác đào tạo nghề đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn. Đề án 1956 đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã thực hiện theo nhu cầu, xác định được các ngành, nghề có đầu ra mới tổ chức đào tạo. Vì vậy, số lao động sau khi học nghề theo Đề án 1956 tìm kiếm được việc làm chiếm khoảng 80%. Riêng đối với các nghề nông nghiệp 100% có việc làm, nghề hàn, may công nghiệp 90% có việc làm.

Với phương châm dạy những nghề người lao động cần, Đề án 1956 tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, hướng dẫn chọn các ngành nghề phù hợp gắn với đời sống, đảm bảo học xong có việc làm như hộ gia đình có ao học nghề nuôi thuỷ sản, gia đình có vườn cây học nghề trồng trọt, trồng cây có múi, người biết dệt thổ cẩm học nghề dệt thổ cẩm... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có hoạt động dạy nghề cũng tạo hiệu quả do doanh nghiệp trực tiếp sản xuất - kinh doanh theo đơn đặt hàng nên xác định được đầu ra để tổ chức đào tạo nghề sát thực tế.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Việc đào tạo nghề có hiệu quả chủ yếu là nghề làm trong lúc nông nhàn chưa chuyển đổi hẳn thành nghề làm thường xuyên. Một số ngành nghề đào tạo chưa thu hút được người học hoặc lao động tham gia học nghề nhưng khó áp dụng được vào thực tiễn, không duy trì nghề được lâu dài như: Các nghề phi nông nghiệp trình độ cao như quản trị mạng máy tính, hướng dẫn du lịch khó tìm việc làm. Nghề nề, mộc khó phát huy trong thực tế. Nghề công nghệ ô tô đòi hỏi kỹ thuật cao, việc làm cho thu nhập khá nhưng lao động học hạn chế, mỗi lớp chỉ từ 10 -15 học viên. Nghề sửa chữa máy nông nghiệp không đào tạo được nhiều bởi chủ yếu là sửa chữa máy gia đình...

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cấp ủy đảng, chính quyền toàn tỉnh tập trung công tác tuyên truyền, tư vấn về pháp luật dạy nghề. Đổi mới chương trình, phương pháp dạy nghề, phối hợp với các doanh nghiệp về nhu cầu lao động triển khai đào tạo nghề đáp ứng thị trường lao động, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn có thu nhập ổn định, đảm bảo an sinh xã hội. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích người lao động tự học hỏi, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ... Phấn đấu trong giai đoạn 2016-2020 dạy nghề cho 45 nghìn lao động nông thôn (25 nghìn người học nghề nông nghiệp, 20 nghìn người học nghề phi nông nghiệp, tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 80%). Dạy nghề cho 1.000 người khuyết tật. Tập huấn phổ biến pháp luật dạy nghề cho khoảng 2.000 lượt cán bộ quản lý, giáo viên và người dạy nghề. Đào tạo, bồi dưỡng 6.000 lượt cán bộ, công chức xã./.