Trong những năm gần đây, công tác ATVSLĐ - PCCN trên địa bàn tỉnh được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp quản lý của các ngành, địa phương, chấp hành của các doanh nghiệp, đặc biệt là ý thức tự giác của người lao động nên đã dần đi vào nền nếp. Tuy nhiên, tình hình mất an toàn trong các doanh nghiệp khai thác khoáng sản có chiều hướng gia tăng. Đây thực sự là mối lo ngại của người lao động trong quá trình sản xuất.
Thực trạng công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh
Tính đến năm 2011, trên địa bàn tỉnh có trên 60.000 lao động đang làm việc ở gần 1.800 doanh nghiệp (DN) thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong đó có gần 200 DN khai thác khoáng sản, xây dựng, kinh doanh điện và vật liệu dễ cháy, nổ. Mức lương trung bình trong các DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2, 8 triệu đồng/người/ tháng; DN dân doanh đạt 2,45 triệu đồng/người/tháng. Nhìn chung, việc làm của người lao động (NLĐ) được đảm bảo, mức thu nhập tương đối ổn định, điều kiện làm việc được cải thiện. Công tác chăm sóc sức khỏe, điều kiện về VSLĐ được bảm bảo.
Ban chỉ đạo tỉnh cùng các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp hàng năm thường xuyên triển khai tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện chế độ, chính sách đối với NLĐ. Đặc biệt, thông qua tổ chức mít tinh, diễu hành, cổ động tuyên truyền, kiểm tra trước, trong và sau Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ - PCCN hàng năm. Thông qua các hoạt động trên đã góp phần nâng cao nhận thức về ATVSLĐ của người sử dụng lao động và NLĐ. Chính vì vậy, những năm gần đây, trong các DN trên địa bàn tỉnh không xảy ra đình công hay tranh chấp lao động tập thể do vi phạm pháp luật về lao động của chủ sử dụng lao động, số vụ tai nạn có chiều hướng giảm, các DN cũng quan tâm hơn đến công tác ATVSLĐ, bảo hộ lao động cho NLĐ.
Tuy nhiên, trong công tác ATVSLĐ trong các DN vẫn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là các DN khai thác khoáng sản và các lĩnh vực có quy định nghiêm ngặt về ATLĐ do rất nhiều nguyên nhân. Song chủ yếu vẫn từ phía các DN chưa tuyên truyền, huấn luyện, trang bị các thiết bị an toàn cho NLĐ, chưa có quy trình làm việc, giải pháp, trang thiết bị an toàn trong quá trình làm việc. Bên cạnh đó, NLĐ coi thường nguy hiểm, không chấp hành các quy định về an toàn, không sử dụng các trang bị an toàn. Chính vì vậy, trong 5 năm (2006 - 2010) đã có 18 vụ tai nạn lao động xảy ra, làm chết và bị thương 31 người, chủ yếu trong các lĩnh vực khai thác khoáng sản, xây dựng.
Một số giải pháp phòng ngừa
Nhằm giảm các vụ tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra trên địa bàn, đặc biệt là các DN khai thác khoáng sản, xây dựng, kinh doanh điện, xăng dầu, hộ kinh doanh gas, các chất dễ cháy - nổ, thuốc trừ sâu, thiết thực hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ - PCCN năm 2011 trên địa bàn tỉnh, xin đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, đối với các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý Nhà nước cần thực hiện các hoạt động thúc đẩy sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và các cơ quan truyền thông đối với công tác ATVSLĐ nói chung, ATVSLĐ trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, các lĩnh vực dễ xảy ra mất an toàn nói riêng. Nâng cao, làm chuyển biến nhận thức của NLĐ, người sử dụng lao động thông qua các hoạt động thông tin, tuyên truyền, huấn luyện cho người sử dụng lao động, NLĐ, cán bộ quản lý về ATVSLĐ. Rà soát hệ thống các chính sách, quy định về ATVSLĐ, đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực khai thác khoáng sản. Cụ thể là: xử phạt về vi phạm an toàn trong khai thác khoáng sản, đề nghị rút giấy phép những doanh nghiệp không chấp hành nghiêm túc những quy định về an toàn, không cấp phép hoạt động cho những doanh nghiệp chưa có giải pháp đảm bảo ATLĐ. Nhà nước cần đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho công tác ATVSLĐ. Trước hết là đảm bảo kinh phí cho công tác tuyên truyền, tuần lễ quốc gia ATVSLĐ - PCCN, trang, thiết bị phục vụ kiểm tra, kiểm định của các cơ quan quản lý, kinh phí cho chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, ATVSLĐ đến năm 2015.
Thường xuyên chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đối với các DN, nhất là các DN khai thác khoáng sản và các DN có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, yêu cầu kỷ luật, sa thải lao động không có ý thức chấp hành các quy định, coi thường tính mạng bản thân trong quá trình lao động ở môi trường dễ có nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ. Có cơ chế thưởng, phạt nghiêm minh về ATVSLĐ. Tăng cường năng lực, phương tiện cho đội ngũ thanh tra viên; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật về ATVSLĐ. Kiên quyết đình chỉ những DN có nguy cơ xảy ra tai nạn, sự cố nghiêm trọng về ATVSLĐ.
Hai là, đối với các DN cần tổng kết, đánh giá hàng năm, đăng ký thi đua về công tác ATVSLĐ trong DN với cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện tuần lễ và cả năm về ATVSLĐ của đơn vị. Trong đó cần tập trung vào các giải pháp bảo đảm cải thiện điều kiện làm việc. Các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản cần quan tâm đến công tác ATVSLĐ như đầu tư, trang bị bảo hộ lao động theo quy định cho NLĐ, nghiêm túc thực hiện quy trình, quy chuẩn về ATVSLĐ vì sự phát triển bền vững của DN và trách nhiệm của DN.
Ba là, đối với NLĐ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, học tập về các quy định của Bộ luật Lao động nói chung về ATLĐ nói riêng. Có tinh thần trách nhiệm phản ánh với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi chủ sử dụng lao động không thực hiện các giao kết về ATVSLĐ trong hợp đồng và thỏa ước lao động tập thể.
Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định, nội quy, quy trình về ATVSLĐ có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao. Có ý thức sử dụng và bảo quản tốt các phương tiện bảo hộ cá nhân được trang bị, các thiết bị an toàn, vệ sinh nơi làm việc. Nêu cao tinh thần trách nhiệm cá nhân khi phát hiện nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, gây độc hại hoặc sự cố nguy hiểm phải báo ngay cho người có trách nhiệm. Đồng thời, tham gia cấp cứu, khắc phục hậu quả tai nạn lao động khi chủ sử dụng lao động yêu cầu.