Tuy nhiên, để hoàn thành kế hoạch năm 2023, còn rất nhiều khó khăn đặc biệt về thị trường tiêu thụ và giá sản phẩm hiện tại vẫn đang ở mức thấp, lợi nhuận chưa nhiều, người dân có tâm lý “treo ao, lồng” chờ tín hiệu của thị trường, dẫn đến nguy cơ các tháng cuối năm có thể thiếu nguyên liệu thuỷ sản phục vụ thị trường cuối năm, ảnh hưởng đến mục tiêu kế hoạch tăng trưởng năm 2023.
Để nuôi trồng thuỷ sản những tháng cuối năm 2023 phát triển ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh cả về số lượng và chất lượng. Ngày 23/8/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công văn số 2270/SNN-TS tăng cường chỉ đạo nuôi trồng thủy sản các tháng cuối năm 2023, đảm bảo kế hoạch tăng trưởng. Đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức nắm bắt, rà soát, tổng hợp, thống kê nguồn, lượng và khả năng sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào phục vụ nuôi trồng thuỷ sản; lượng thuỷ sản hiện đang nuôi; diễn biến giá thuỷ sản nguyên liệu; kịp thời thông tin đến doanh nghiệp và người nuôi để có kế hoạch và giải pháp cụ thể, phù hợp trong tổ chức nuôi, bán ra thị trường. Đẩy mạnh nuôi các đối tượng thuỷ sản nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao như: cá lăng, cá trắm đen, cá rô phi, cá chép, cá chiên, cá ngạnh... Phát triển nuôi hồ chứa và các đối tượng đặc hữu, có giá trị kinh tế của địa phương. Thực hiện các giải pháp hạ giá thành trong nuôi trồng thuỷ sản. Áp dụng kỹ thuật tiên tiến ở tất cả các khâu trong quy trình nuôi để tăng tỷ lệ sống, giảm hệ số thức ăn (FCR). Tổ chức liên kết sản xuất để giảm khâu trung gian, đảm bảo vật tư đầu vào (giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản…) đến tay người nuôi nhanh nhất, gần nhất, chi phí thấp nhất.
Bên cạnh đó, tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo người nuôi; làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trong nuôi trồng thuỷ sản. Thực hiện tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc trong nuôi trồng thuỷ sản. Hướng dẫn, thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực theo quy định tại Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 cho cơ sở nuôi trồng thuỷ sản; đảm bảo sản phẩm thuỷ sản đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm và yêu cầu thị trường. Tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ về phát triển nuôi trồng thuỷ sản tại Quyết định số 1354/QĐ-UBND ngày 05/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo nguyên tắc hợp tác, liên kết, lấy người dân làm trung tâm, có sự kết nối giữa các cấp lãnh đạo, quản lý với đơn vị nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức nghề nghiệp của người dân để tạo ra giá trị gia tăng trong từng công đoạn. Có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người nuôi tổ chức liên kết, tối ưu hoá chuỗi sản xuất để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả, thúc đẩy tiêu thụ trong, ngoài tỉnh và hướng đến xuất khẩu.
Thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và triển khai các quy định của Luật Thuỷ sản 2017; Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn, pháp luật có liên quan trong nuôi trồng thuỷ sản (quản lý giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản; quản lý về an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thuỷ sản…); đặc biệt quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ các vướng mắc khó khăn và đơn giản hoá thủ tục hành chính về đăng ký nuôi trồng thuỷ sản lồng bè, đối tượng thuỷ sản nuôi chủ lực. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong nuôi trồng thuỷ sản (về quản lý giống thuỷ sản, quản lý nuôi trồng thuỷ sản, an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thuỷ sản), xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) và công khai kết quả xử lý theo quy định./.