DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân số của tỉnh

02/08/2017 00:00
Trước tình trạng một số vấn đề dân số trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng tăng, khó kiểm soát trong những năm gần đây làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dân số của tỉnh như: tảo hôn, mất cân bằng giới tính khi sinh, sinh con thứ 3 trở lên, bệnh tan máu bẩm sinh. Ngày 26/7/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 545- QĐ/TU về việc ban hành Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong việc nâng cao hiệu quả công tác dân số tỉnh Hòa Bình”.

Mục tiêu của Đề án: Đến năm 2020, tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên ≤ 5%; giữ vững mức sinh thay thế, duy trì số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ≤ 2,1 con; giảm bình quân 1,5 - 2%/năm tỷ lệ tảo hôn, phấn đấu tỷ lệ tảo hôn của tỉnh Hòa Bình ở mức bình quân chung của toàn quốc vào năm 2025; giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh dưới < 115 nam/100 nữ vào năm 2020, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỷ số này trở lại mức cân bằng tự nhiên: khoảng 107 nam/100 nữ, chậm nhất vào năm 2025; năm 2020 có 30% và năm 2025 có 70% cặp kết hôn được xét nghiệm gen ẩn bệnh tan máu bẩm sinh và tư vấn phòng bệnh cho thế hệ sau; năm 2020 có 55%, đến 2025 đạt 100% vị thành niên, thanh niên hiểu biết cơ bản về vấn đề DS - KHHGĐ như các biện pháp tránh thai, tác hại của tảo hôn, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân…

Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu rõ 6 nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện đó là: Nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể đối với công tác dân số, trong đó trọng tâm là các tồn tại, hạn chế đang đặt ra đối với công tác dân số trên địa bàn tỉnh; Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục về DS/KHHGĐ, trong đó tập trung vào 04 tồn tại, hạn chế; Nghiên cứu, bổ sung cơ chế chính sách để góp phần giải quyết tốt các vấn đề tồn tại, hạn chế nêu trên; Tăng cường cung cấp và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ, xét nghiệm gen mang bệnh tan máu bẩm sinh; xây dựng và nhân rộng các mô hình “không tảo hôn”, “không sinh con thứ 3”, “không mất cân bằng giới tính khi sinh quá 107 bé trai/100 bé gái”; Nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác Dân số - KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; Tăng cường đầu tư và sử dụng hiệu quả nguồn tài chính.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Hội đồng nhân dân tỉnh nghiên cứu, ban hành Nghị quyết về chính sách DS/KHHGĐ trong đó nêu rõ các chỉ tiêu về công tác DS/KHHGĐ; có quy định hình thức xử lý kỷ luật đối với CCVC vi phạm chính sách khen thưởng cho tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách DS/KHHGĐ; nghiên cứu ban hành chính sách khám sức khỏe tiền hôn nhân cho VTN/TN, các cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn. Ủy ban nhân dân tỉnh đưa các chỉ tiêu về công tác dân số vào việc xem xét, đánh giá thi đua hàng năm đối với các tập thể, cá nhân; cân đối, bố trí nguồn ngân sách nhà nước trong kế hoạch hàng năm và dài hạn để thực hiện các nội dung, chương trình của Đề án; chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về dân số; chỉ đạo ngành Giáo dục & Đào tạo triển khai lồng ghép giáo dục về CSSKSS, bình đẳng giới, về bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia vào các môn học phù hợp; chỉ đạo ngành Y tế nâng cao năng lực tuyên truyền, tư vấn và quản lý đối tượng cho đội ngũ cán bộ làm công tác DS/KHHGĐ các cấp, đội ngũ cộng tác viên dân số ở cơ sở, tăng cường triển khai các kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe sinh sản tới cơ sở. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tuyên truyền, vận động các thôn, xóm, khu dân cư đưa các quy định cụ thể về chính sách DS/KHHGĐ vào các quy ước, hương ước; xây dựng các mô hình làng, xóm, thôn, bản, khu dân cư không có tảo hôn, sinh con thứ 3, không có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh quá 107 bé trai/ 100 bé gái. Các đoàn thể tỉnh: tuyên truyền, giáo dục DS/KHHGĐ; nhấn mạnh những hậu quả của việc tảo hôn, bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia đối với sức khỏe giống nòi, xây dựng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế- xã hội trong hội viên. Các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc tổ chức tốt việc quán triệt, triển khai thực hiện Đề án tới toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân và xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án ở các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị. Định kỳ tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy sơ kết, tổng kết thực hiện Đề án.