Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình, vụ hè, thu năm nay toàn tỉnh trồng 11.462 ha ngô, 1.469 ha khoai lang, 475 ha đậu tương, 1.198 ha lạc và khoảng gần 2.500 ha rau, đậu các loại. Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình dịch hại của phòng NN&PTNT các huyện, thành phố cho thấy đang xuất hiện các đối tượng gây hại, nhất là trên ngô, mía, cây ăn quả và một số loại rau. Cụ thể, trên cây ngô xuất hiện sâu xám, sâu ăn lá, sâu đục thân hại diện hẹp, nhất là trên diện tích trà muộn ở Lương Sơn, Yên Thủy, Kim Bôi, TP Hòa Bình. Ngoài ra, một số diện tích ngô trên địa bàn huyện Lạc Thủy xuất hiện bệnh đốm lá với tỷ lệ hại phổ biến 3-5% số lá, bệnh khô vằn với tỷ lệ hại phổ biến 1-3% số cây, chuột và châu chấu gây hại nhẹ. Trên cây mía, rệp sáp, rệp xơ trắng có tỷ lệ hại 3-6% số lá, số cây, sâu đục thân tỷ lệ hại phổ biến 0,5-1% số cây, bệnh thối nõn hại cục bộ từng ruộng và trên giống nhiễm. Các địa bàn có nhiều diện tích mía bị nhiễm sâu bệnh là Kim Bôi, Đà Bắc, Yên Thủy, Tân Lạc... Tại các huyện Lương Sơn, Mai Châu, Kỳ Sơn, Tân Lạc, một số diện tích trồng rau họ thập tự, bầu, bí đang bị nhiễm bệnh phấn trắng, sương mai, đốm lá, một số loại sâu, rệp, bọ nhảy cũng xuất hiện và gây hại nhẹ. Hiện cúm A/H5N1 đã được phát hiện ở 2 xã Hòa Sơn, Hợp Hòa huyện Lương Sơn, trong đó có 1 điểm xóm của xã Hòa Sơn là ổ dịch cũ (từng xảy ra dịch vào cuối năm 2006). Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có quyết định công bố dịch cúm gia cầm ở hai xã này. Đây là 2 trong số các xã thuộc vùng điểm chăn nuôi gia cầm tập trung của tỉnh, cũng là vùng có nhiều trang trại, gia trại. Theo số liệu thống kê, đàn gia cầm nuôi trong dân của huyện Lương Sơn vào khoảng 400.000 con. Để đảm bảo công tác chống dịch, dự kiến cần 250.000 liều vắc xin tiêm phòng ở 10/18 xã, thị trấn có nguy cơ dịch lây lan ở cấp độ cao gồm thị trấn Lương Sơn, xã Nhận Trạch, Cư Yên, Tân Vinh, Cao Răm, Trường Sơn, Lâm Sơn, Liên Sơn, Hòa Sơn, Hợp Hòa. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỉnh ta vẫn chưa có nguồn vắc xin chống dịch. Ông Phạm Vinh Xương, Chi cục Phó Chi cục Thú y cho biết, đây là đợt dịch lớn, nếu không có vắc xin cung ứng thì không thể chống dịch, dập dịch. Thực tế khó khăn nhất hiện nay là Cục Thú y đã có công văn yêu cầu các tỉnh có dịch cúm A/H5N1 chủ động chống dịch bằng nguồn ngân sách địa phương. Chi cục đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xin nguồn kinh phí hỗ trợ nhưng hiện vẫn đang chờ quyết định. Qua kiểm tra, độc lực của chủng cúm A/H5N1 lần này khác so với đợt dịch năm 2006.
Dự báo khả năng gia tăng dịch hại sẽ phát triển mạnh trên cây trồng trong thời gian tới, Chi cục BVTV đề nghị các địa phương tập trung thực hiện những biện pháp chăm sóc và bảo vệ cây màu vụ hè-thu. Đặc biệt, đối với cây ngô cần chú ý sự gia tăng mức độ gây hại của sâu khoang, sâu ăn lá, bệnh đốm lá, bệnh khô vằn, ngoài ra cần chú ý sự xuất hiện bệnh virus ở những vùng gần khu vực lúa mùa bị bệnh. Đối với cây mía, chú ý các đối tượng sâu đục thân, rệp, bệnh thối nõn, thối đỏ, đốm lá, ngoài ra, bệnh mía chồi cỏ có thể xuất hiện trên các giống nhiễm giai đoạn vươn lóng mạnh. Đối với cây ăn quả, trong giai đoạn quả chín - thu hoạch cần đặc biệt phòng tránh các đối tượng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng quả như: bọ xít, sâu đục quả, bệnh sẹo, loét... Trên các vùng trồng lạc, đậu tương, rau họ thập tự cần đẩy mạnh các biện pháp phòng trừ sâu cuốn lá, bọ nhảy, rệp, sâu, bệnh mốc sương, bệnh thối nhũn...Chi cục BVTV cũng khuyến cáo, tuy mức độ gây hại của các đối tượng trên chưa đáng lo ngại nhưng các địa phương không vì thế mà chủ quan, lơ là công tác BVTV. Trong vụ hè - thu, thời tiết biến đổi bất thường, độ ẩm cao dễ tạo điều kiện cho các mầm sâu bệnh phát triển trên nhiều diện tích cây trồng. Chính vì vậy, song song với chú trọng chăm sóc để tăng khả năng chống chịu sâu bệnh cho cây trồng, bà con nông dân cần tích cực theo dõi diễn biến của sâu bệnh để kịp thời phát hiện các nguy cơ, từ đó chủ động triển khai hiệu quả biện pháp bảo vệ.
Đối với dịch cúm gia cầm, ông Phạm Vinh Xương, Phó Chi cục Thú y nhận định, cúm A/H5N1 đang biến chủng không ngừng. Tỉnh ta lại tiếp giáp với nhiều địa phương có dịch như Ninh Bình, Hà Nam, đặc biệt lưu ý các huyện Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lạc Sơn, nơi có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua. Để phòng bệnh, người chăn nuôi cần áp dụng chăn nuôi an toàn, không chăn thả gà, vịt, ngan chạy đồng tự do, định kỳ vệ sinh, khử trùng môi trường xung quanh chuồng trại, giám sát đàn gia cầm nếu có hiện tượng ốm, chết phải báo cáo kịp thời, tiêu hủy con bệnh, không bán chạy để tránh làm dịch lây lan rộng.