DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

26/03/2024 16:30
Ngày 26/3, UBND tỉnh ban hành Công văn số 439/UBND-NVK gửi các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Kịp thời cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại trong người dân

Thực hiện Công văn số 1208/BYT-DP ngày 15/3/2024 của Bộ Y tế về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại. Để chủ động tăng cường công tác phòng chống bệnh dại trên người, đặc biệt nhằm hạn chế tối đa xảy ra các trường hợp tử vong do bệnh dại trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như sau:

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn trong công tác phòng, chống bệnh dại động vật trên địa bàn tỉnh đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức lấy mẫu giám sát bệnh dại; tất cả những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dại trên động vật phải được lấy mẫu xét nghiệm bệnh dại để kịp thời cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại; hướng dẫn các huyện, thành phố trong công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn đối với bệnh dại động vật.

Phối hợp với các đơn vị truyền thông và các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bệnh dại, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức cho lực lượng thú y cơ sở trong phòng, chống dịch bệnh dại.

Chủ động thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống bệnh dại tại các huyện, thành phố, nhất là tại các địa bàn trọng điểm; tổ chức đánh giá, báo cáo kết quả công tác phòng chống bệnh dại động vật trên địa bàn tỉnh.

Giao Sở Y tế: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với các đơn vị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng, chống bệnh dại tại các huyện, thành phố; thực hiện các hoạt động truyền thông về phòng chống bệnh dại ở người; tuyên truyền, hướng dẫn người bị chó, mèo cắn, cào... đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời. 

Chỉ đạo cơ sở điều trị cập nhật, tập huấn cách xử trí, phác đồ cấp cứu, điều trị bệnh nhân dại, nghi dại; chuẩn bị đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân dại, nghi dại.

Giao Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức xây dựng, thực hiện kế hoạch truyền thông học đường về phòng, chống bệnh dại.

Giao Sở Thông tin và Truyền thông: Hướng dẫn, định hướng cơ quan báo chí phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế tăng cường tuyên truyền về bệnh dại, mức độ nguy hại của bệnh dại với tính mạng con người. Tuyên truyền các biện pháp phòng chống, đặc biệt là trách nhiệm của người dân trong việc tiêm phòng bệnh dại bắt buộc cho đàn chó, mèo; các biện pháp điều trị khi bị chó, mèo cắn, cào,...

Giao Ủy Ban nhân dân các huyện thành phố: Rà soát việc xây dựng kế hoạch, tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, các biện pháp phòng chống bệnh dại theo Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 25/02/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2022-2030.

Tăng cường công tác quản lý tốt các đàn chó, mèo: Yêu cầu các tổ chức, cá nhân nuôi chó, mèo phải thực hiện: Đăng ký việc nuôi chó, mèo; nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình. Chó, mèo khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường; tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo theo quy định. Triển khai ký cam kết thực hiện 5 không: “không nuôi chó mèo không tiêm phòng dại”, “không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương”, “không nuôi chó thả rông”, “không để chó cắn người”, “không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường”.

Chỉ đạo và triển khai các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao trách nhiệm và nhận thức của người dân về tính chất nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp phòng chống bệnh dại, trong đó cần tập trung:

Tuyên truyền đến mọi người dân về các biện pháp phòng bệnh dại cho người sau khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm vào vết thương trên cơ thể,... để người dân chủ động sớm thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng (rửa vết thương, tiêm vắc xin phòng dại và sử dụng huyết thanh kháng dại theo chỉ định/hướng dẫn của cán bộ y tế);

Tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển kinh doanh chó, mèo trong từng thôn, xóm, xã, phường thực hiện các biện pháp quản lý và phòng bệnh trên đàn chó, mèo nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y.

Chủ động phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo, giám sát việc duy trì điểm tiêm vắc xin, tổ chức tiêm phòng và điều trị dự phòng bệnh dại cho người bị động vật cắn. 

Tăng cường chỉ đạo việc phối hợp giữa y tế, thú y và chính quyền các cấp nhằm giám sát và phát hiện sớm các ổ dịch dại hoặc nghi dại trên động vật để có biện pháp xử lý kịp thời, triệt để hạn chế lây nhiễm bệnh dại sang người.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, các Sở, Ban, ngành và các tổ chức đoàn thể tỉnh: Chỉ đạo các cấp hội, các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y, y tế tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên, cộng đồng dân cư về mức độ nguy hiểm, các biện pháp phòng, chống bệnh dại theo quy định; giam sát, vận động chủ vật nuôi thực hiện khai báo, không thả rông, tiêm phòng đầy đủ vắc xin theo quy định của pháp luật./.