Trong giai đoạn này, thành phố phấn đấu thực hiện hiệu quả nội dung vệ sinh môi trường nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo ra môi trường sống ở nông thôn an toàn và bền vững; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống. Nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng và hiệu quả của hoạt động thu gom, phân loại, lưu trữ, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt; giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi đến môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
Phấn đấu đạt các mục tiêu cụ thể: Ít nhất 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 80% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý; Xây dựng 1 - 2 mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện trở lên với công nghệ phù hợp. Ít nhất 15% số hộ nông thôn có nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả; 50% số đơn vị xã, phường có triển khai mô hình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phi tập trung theo cụm hoặc theo khu vực phù hợp, hiệu quả.
Phấn đấu ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường. Có 95% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom; 70% được vận chuyển và xử lý theo đúng quy định. Có 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; 80% số xã có tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm. Dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; hộ gia đình nông thôn và trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh được xây dựng và quản lý sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nhiệm vụ giải pháp về Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt tại Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, phát huy hiệu quả của truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội và các hình thức truyền thông mới; xây dựng các chương trình chuyên đề, chuyên mục định kỳ về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, phát sóng định kỳ trên các đài truyền thanh, trang thông tin điện tử. Chuyển đổi tư duy nhận thức, kiến thức, pháp luật, hành động của người dân, cán bộ nông thôn mới các cấp về các tác động của môi trường đến sức khỏe của con người và các hoạt động sản xuất. Phát động các phong trào thi đua chuyên đề để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, có giải pháp, sáng kiến nhằm giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường nông thôn; tổ chức các cuộc thi nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp; công tác thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt.
Rà soát, hoàn thiện các quy hoạch và quản lý đất đai liên quan đến các công trình bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch; chủ động bố trí quỹ đất phục vụ cho các công trình nước sạch và bảo vệ môi trường trong kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về huy động nguồn lực, quản lý, vận hành công trình cấp nước sạch và công trình xử lý chất thải.
Rà soát, cập nhật, chuyển giao và ứng dụng công nghệ về cấp nước và bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện của thành phố theo hướng giảm chi phí đầu tư và vận hành, kỹ thuật vận hành đơn giản, thân thiện với môi trường; ưu tiên lựa chọn các công nghệ sản xuất trong nước, công nghệ hiện đại, tuần hoàn và thân thiện với môi trường. Tiếp tục đầu tư một số mô hình cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh nhỏ lẻ tại các vùng đặc thù, khó khăn về nguồn nước (vùng thiếu nước, vùng sâu, vùng xa). Thu hút đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sạch tập trung đã có (trong đó tập trung nâng cấp công nghệ xử lý chất lượng nước, nâng công suất, mở rộng mạng lưới cấp nước, ổn định nguồn nước khai thác trong điều kiện ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu).
Khuyến khích phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh, tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi; xây dựng và triển khai mô hình phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với các địa bàn có mật độ dân cư khác nhau và mục đích sử dụng chất thải sau phân loại. Tổ chức hoạt động mạng lưới thu gom chất thải rắn triệt để và hiệu quả; các phương thức thu gom phù hợp với địa bàn từng xã, phường; bố trí và đầu tư hạ tầng các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phù hợp; trang bị các phương tiện, trang thiết bị lưu chứa rác tại khu vực công cộng đảm bảo thuận tiện, thân thiện môi trường và mỹ quan. Xây dựng, triển khai và hoàn thiện mô hình liên kết thị trường để thu hồi, sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm tái chế, tái sử dụng từ chất thải (như sản phẩm phân bón hữu cơ...).
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án Thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được phê duyệt tại Quyết định 2079/QĐUBND ngày 16/9/2021 và Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 17/8/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về thu gom vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường cải tạo chất lượng và cảnh quan môi trường nước mặt khu vực công cộng; tổ chức theo dõi diễn biến chất lượng nước ao, hồ công cộng nằm trong khu dân cư nông thôn; cải tạo cảnh quan và khôi phục chất lượng môi trường nước khi bị ô nhiễm. Hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình cải tạo cảnh quan theo hướng đa chức năng; tăng cường trồng cây xanh tại các khu vực công cộng, tuyến đường giao thông; gắn xây dựng cảnh quan với phát triển du lịch nông thôn và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Phát huy vai trò của doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội trong phối hợp với chính quyền tham gia xây dựng, vận hành các công trình, hệ thống, mô hình về bảo vệ môi trường nông thôn trên cơ sở quy chế phối hợp, phân công trách nhiệm và cơ chế tài chính rõ ràng, minh bạch và có sự đồng thuận cao; khuyến khích hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ, đội, nhóm bảo vệ môi trường đứng ra đảm nhận quản lý, vận hành mô hình bảo vệ môi trường sau đầu tư tại địa phương./.