UBND tỉnh yêu cầu: Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP phải được tiến hành nghiêm túc, thường xuyên, đồng bộ, hiệu quả, gắn với việc thực hiện Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 12/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng Nhân dân tỉnh, Uỷ ban Nhân dân tỉnh về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, áp dụng công nghệ giao thông thông minh trong tổ chức, quản lý, điều hành giao thông đô thị; kịp thời áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đổi mới công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh. Giám đốc các Sở, thủ trưởng các Ban, Ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao; Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Uỷ ban Nhân dân tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn quản lý.
Theo kế hoạch sẽ phấn đấu đạt các chỉ tiêu sau: Phấn đấu hàng năm giảm tai nạn giao thông từ 5% trở lên trên cả 3 tiêu chỉ (số vụ, số người chết, số người bị thương). Giảm tối đa các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, đặc biệt chú trọng giảm tai nạn giao thông liên quan đến người sử dụng mô tô, xe gắn máy và nguyên nhân từ rượu, bia.
Xây dựng ý thức tự giác chấp hành Luật của người tham gia giao thông; xây dựng văn hoá giao thông trong cộng đồng. 100% học sinh các bậc học phải được tuyên truyền, giáo dục về trật tự, an toàn giao thông. 100% người tham gia giao thông được tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
100% các lái xe, nhân viên phục vụ, người điều hành vận tải và quản lý các doanh nghiệp kinh doanh vận tải được tập huấn về nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông, được khám sức khoẻ định kỳ theo quy định.
Ưu tiên nguồn lực xử lý kịp thời và có hiệu quả các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Trong đó, tập trung vào các giải pháp như: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; xóa bỏ lối đi tự mở trái phép; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm tuyến luồng đường thủy nội địa. Tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường thủy nội địa, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trong các đô thị lớn.
Kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng hạ tầng, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông. Nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông; tập huấn kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông cho nhân viên y tế cơ sở, lực lượng thực thi pháp luật và người tham gia giao thông./.