DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng dân tộc thiểu số

05/11/2019 00:00
Với sự vào cuộc và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tỉnh đã ưu tiên bố trí lồng ghép các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng ở địa bàn vùng dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh. Thông qua việc lồng ghép nguồn vốn từ nhiều chương trình, dự án khác nhau như: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng dân tộc thiểu số nhằm phát triển giáo dục và đào tạo

Chương trình 135 các giai đoạn là nguồn lực quan trọng để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng được triển khai trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn và các thôn bản đặc biệt khó khăn, trong giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí đầu tư, hỗ trợ trên 687 tỷ đồng. Chính phủ Ailen viện trợ không hoàn lại cho Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh trong 5 năm dự kiến tổng mức là 60 tỷ đồng, trong đó năm 2018 là 18 tỷ đồng. Năm 2019, dự kiến là 20,9 tỷ đồng .

UBND tỉnh đã ban hành chính sách đặc thù để tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho các xóm đặc biệt khó khăn nhất tỉnh. Ngày 20/1/2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 73/QĐ-UBND phê duyệt Đề án đầu tư, hỗ trợ 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh. Theo đó xác định nguồn vốn đầu tư là 133,9 tỷ đồng trên cơ sở lồng ghép các nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ cho các thôn, bản khó khăn nhất có điều kiện cải thiện cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, duy trì, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn của 36 thôn, bản khó khăn nhất của tỉnh. Ban Dân tộc tỉnh là đơn vị được giao chủ trì đã phối hợp với các sở, ngành chức năng, chính quyền các địa phương khảo sát, triển khai các nội dung của Đề án và đã đạt những kết quả tích cực trong việc cải thiện, nâng cao đời sống người dân.

Giai đoạn 2014-2018 được phê duyệt với tổng nhu cầu là 133,798 tỷ đồng, thực hiện hỗ trợ đầu tư cho các lĩnh vực: Xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, nhà ở, đào tạo nghề và hoạt động văn hóa. Đã huy động được 66,233 tỷ đồng (trong đó, kinh phí lồng ghép từ chương trình 135 giao 9,92 tỷ đồng vốn đầu tưthực hiện đầu tư 10 công trình hạ tầng; 1,876 tỷ đồng vốn sự nghiệp thực hiện 13 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất). Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của các thôn, bản thuộc đề án đã giảm bình quân 5%/năm.

Đề án hỗ trợ 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh kết thúc giai đoạn năm 2018, do nguồn vốn có hạn nên chưa hoàn thành mục tiêu đã đề ra (mới đạt 49,5% nhu cầu vốn). Năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND tiếp tục triển khai thực hiện đề án đến năm 2020 thực hiện hỗ trợ 15 thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh với tổng nhu cầu vốn thực hiện là 113.358 triệu đồng, hỗ trợ hạ tầng, phát triển sản xuất, xóa nhà tạm, hỗ trợ văn hóa. Tiếp tục thực hiện Đề án 03-ĐA/TU ngày 14/01/2010 của Tỉnh ủy về củng cố nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm quốc phòng - an ninh 2 xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu, đời sống nhân dân hai xã người Mông đã có những cải thiện đáng kể. Ngoài ra, huy động được hàng nghìn tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn khác nhau như: Chương trình 30a dành cho hai huyện nghèo Đà Bắc và Kim Bôi, Chương trình của các ngành giáo dục, y tế, điện lực, giao thông đều ưu tiên tập trung cho vùng có điều kiện khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Có thể khẳng định, với sự ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đã giải quyết được những công trình thiết yếu đảm bảo phục vụ đời sống dân sinh, kinh tế đối với đồng bào DTTS. Cơ sở hạ tầng vùng DTTS từng bước được cải thiện, bộ mặt nông thôn miền núi ngày càng đổi mới./.