Áp dụng ISO trong việc giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành cũng như xử lý hồ sơ, công việc của tổ chức, công dân... là một trong những giải pháp thúc đẩy công tác cải cách thủ tục hành chính đang được triển khai thực hiện có hiệu quả tại các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh.
Tới nay, toàn tỉnh đã có 46/47 (Sở Ngoại vụ mới thành lập) cơ quan của tỉnh hoàn thành việc xây dựng và áp dụng HTQLCL (bao gồm 21 sở, ban, ngành, 11 huyện - thành phố và 14 Chi cục thuộc Sở) và hiện Sở KH&CN đang xây dựng kế hoạch triển khai áp dụng hệ thống ISO đến các xã, phường, thị trấn.
Trong thời gian qua HTQLCL đã được các cơ quan, đơn vị tích cực áp dụng trên nhiều lĩnh vực theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông tại địa bàn thông qua việc xây dựng các quy trình công việc. Các quy trình đã hệ thống hóa được trình tự các công việc, các loại biểu mẫu, xác định rõ trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức và bộ phận có liên quan khi tham gia giải quyết hồ sơ, công việc đối với tổ chức, công dân. Đồng thời với việc xây dựng quy trình xử lý hồ sơ, công việc nhiều cơ quan, đơn vị đã củng cố, đưa vào sử dụng mạng nội bộ, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, bảo đảm khai thác hiệu quả các giao dịch điện tử trong xử lý công việc của mọi cán bộ, công chức, viên chức. Từng bước kết nối hạ tầng kỹ thuật của cơ quan, đơn vị với mạng Internet để cung cấp thông tin và dịch vụ hành chính công theo chức năng, nhiệm vụ. Việc ứng dụng phần mềm một cửa, một cửa liên thông đang được triển khai thí điểm ở các cơ quan, đơn vị cũng đã đem lại nhiều tiện ích cho người sử dụng. Chỉ cần cập nhật thông tin một lần nhưng có thể sử dụng cho nhiều việc từ việc lập sổ theo dõi, viết giấy biên nhận, in văn bản phát hành theo mẫu quy định cho đến việc truy xuất phục vụ cho việc thống kê, tổng hợp báo cáo được nhanh chóng, kịp thời và đầy đủ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó một số cơ quan, đơn vị vẫn còn tồn tại, hạn chế như: Cách tiếp cận và quản lý công việc tại các cơ quan, đơn vị còn mang tính sự vụ chưa quen với cách tiếp cận và giải quyết công việc theo quy trình, do đó việc xây dựng và áp dụng HTQLCL tại một số đơn vị chưa thực sự gắn kết với hoạt động cải cách hành chính dẫn đến hiệu quả của việc áp dụng; chưa thực hiện nghiêm túc việc duy trí HTQLCL; chưa rà soát, bổ xung quy trình mới theo chức năng, nhiệm vụ mới; vẫn còn có một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thực hiện một cách hình thức, không tuân thủ các quy trình; lãnh đạo, thủ trưởng một số cơ quan chưa thật sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, cán bộ được giao phụ trách ISO đa phần kiêm nhiệm nên ảnh hưởng tới việc áp dụng, cải tiến HTQLCL tại cơ quan, đơn vị; việc văn bản quy phạm pháp luật thay đổi, bổ sung, điều chỉnh nhiều nên dẫn tới việc các cơ quan hành chính phải thường xuyên rà soát các quy trình tác nghiệp để ban hành, áp dụng...
Từ những hạn chế trên ta có thể thấy chất lượng duy trì ISO phụ thuộc rất nhiều vào “yếu tố con người” Để đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 trên địa bàn tỉnh hoạt động có hiệu quả thời gian tới cần phải tiếp tục có sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa của lãnh đạo các cấp, quyết tâm của thủ trưởng cơ quan để nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức về HTQLCL; Đẩy mạnh công tác tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ tham mưu, giúp việc cho việc duy trì hệ thống. Mục tiêu chung nhất là quá trình cải cách TTHC tại tỉnh Hòa Bình bám sát theo HTQLCL tiên tiến, duy trì liên tục, giảm chi phí thời gian của doanh nghiệp, tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thu hút nhiều nhà đầu tư./.