Tại tỉnh Hòa Bình, những năm qua, các cấp, các ngành, các cơ sở sản xuất đã làm tốt công tác chỉ đạo quản lý, hướng dẫn và tuyên truyền các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn quy phạm về ATVSLĐ-PCCN đến các cơ sở lao động, người sử dụng lao động và trực tiếp đến người lao động. Nhờ đó công tác ATVSLĐ-PCCN đã có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả, từng bước đi vào đời sống xã hội.
Tuy nhiên, công tác ATVSLĐ-PCCN nhiều nơi vẫn còn hạn chế, bất cập, chủ quan và coi nhẹ dẫn tới các sự cố đáng tiếc gây thiệt hại về người và tài sản. Theo báo cáo của Sở LĐ, TB&XH tỉnh, năm 2016 trên địa bàn tỉnh xảy ra 15 vụ cháy gây thiệt hại về tài sản trên 500 triệu đồng; điều tra nguyên nhân cho thấy có 03 vụ do người lao động, 06 vụ chập điện, 02 vụ do sự cố kỹ thuật, 02 vụ do đốt rừng, 02 vụ chưa rõ nguyên nhân. Về tình hình sự cố, tai nạn trong công tác cứu hộ, cứu nạn xẩy ra 04 vụ với 31 nạn nhân (chết 07, bị thương 24 người) thiệt hại ước tính trên 2 tỷ đồng. Tình hình trên đã đặt công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ lên trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu tại các cơ quan, doanh nghiệp, nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại do tai nạn lao động gây ra.
Năm 2017 là năm đầu tiên tổ chức Tháng hàng động về ATVSLĐ với chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”, với mục tiêu nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ, thực thi có hiệu quả Luật ATVSLĐ. Trọng tâm thực hiện công tác huấn luyện ATVSLĐ trong các cơ sở sản xuất kinh doanh; cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động; chủ động phòng ngừa, giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế tai nạn và bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Trong tháng, các cấp, các ngành, các cơ sở sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huấn luyện để nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động về công tác ATVSLĐ-PCCN. Chủ cơ sở lao động phải thực hiện tốt các chế độ, tiêu chuẩn, quy phạm về ATVSLĐ-PCCN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; không ngừng cải thiện điều kiện, môi trường làm việc an toàn nhằm giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trong đó cần tập trung quan tâm nhiều đến người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tại địa phương. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực ATVSLĐ-PCCN. Phấn đấu trong năm 2017: Giảm 4% tần suất tai nạn lao động chết người trong các ngành, lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng; trong thi công xây dựng...;Trên 50% người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị các bệnh nghề nghiệp phổ biến được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; Tăng 5% cơ sở lao động được đo, kiểm tra môi trường lao động so với năm 2016. Trên 70% số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm ( kể cả người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động); 80% số người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác y tế; 90% số an toàn, vệ sinh viên trong các cơ sở sản xuất kinh doanh được huấn luyện về ATVSLĐ; 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan liên quan đến công tác an toàn vệ sinh lao động cấp tỉnh, huyện và cán bộ Lao động- TBXH cấp xã (phường, thị trấn) được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác an toàn- vệ sinh lao động./.