DetailController

Khoa học - Môi trường

Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ trong khai thác khoáng sản

12/03/2010 00:00

Trong những năm gần đây, công tác an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ – PCCN) trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt là trong các doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Nhân dịp hưởng ứng Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ – PCCN lần thứ 12 (từ ngày 14 – 21/3 2010), phóng viên HBĐT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH xung quanh vấn đề này.

Công nhân Công ty TNHH khai thác khoáng sản Anh Vũ (Lạc Thuỷ) được huấn luyện ATLĐ và trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động

 

P.V: Thưa Phó Giám đốc sở LĐ – TB&XH, trong những năm vừa qua, trên địa bàn toàn tỉnh đã thành lập nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Vậy xin ông cho biết các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh đã có những hoạt động thiết thực nào để đảm bảo an toàn cho người lao động và thực trạng ATVSLĐ - PCCN tại các doanh nghiệp?
 
Ông Nguyễn Thanh Thủy: Đến hết năm 2009, toàn tỉnh đã có khoảng 60.000 lao động đang làm việc ở trên 1.200 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, trong đó hơn 100 doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Việc triển khai thực hiện pháp luật về lao động, nhất là các quy định về ATVSLĐ – PCCN trong khu vực sản xuất kinh doanh được liên ngành Lao động - TBXH và LĐLĐ thực hiện thường xuyên. Ngành đã tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị “ Tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện ATVSLĐ – PCCN”. Tổ chức mít tinh, diễu hành cổ động tuyên truyền về Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ – PCCN năm 2009. Thực hiện kiểm tra 24 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, 14 cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngạt về ATLĐ, 6 doanh nghiệp có sử dụng người lao động nước ngoài. Sau kiểm tra đã đưa ra 217 kiến nghị yêu cầu các đơn vị thực hiện, trong đó tập trung kiến nghị vào việc không chấp hành các quy định để sảy ra mất ATLĐ như: Nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động do người bị nạn vi phạm quy trình làm việc, biện pháp làm việc an toàn; Người lao động không sử dụng trang bị bảo hộ lao động; Phương pháp tổ chức lao động của doanh nghiệp, Không có quy trình, biện pháp làm việc an toàn của doanh nghiệp…
 
Thông qua các hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức về ATVSLĐ của người sử dụng lao động và người lao động. Chính vì vậy trong những năm gần đây trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không xảy ra đình công hay tranh chấp lao động tập thể do vi phạm pháp luật về lao động của chủ sử dụng lao động. Số vụ tai nạn lao động có chiều hướng giảm. Các doanh nghiệp cũng quan tâm hơn đến công tác ATVSLĐ, bảo hộ lao động nên đã giảm thiểu an toàn lao động và bệnh nghề nghiệp.
 
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên, thời gian qua công tác ATVSLĐ trong các doanh nghiệp vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn,nhất là trong các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, mà nguyên nhân chủ yếu vẫn từ phía các doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều tới tuyên truyền, huấn luyện, trang bị các thiết bị an toàn cho người lao động, chưa có quy trình làm việc, giải pháp, trang thiết bị an toàn trong quá trình khai thác. Bên cạnh đó có không ít người lao động có tâm lý chủ quan, coi thường nguy hiểm nên không chấp hành các quy định về ATLĐ. Chính vì vậy trong 5 năm (2005 – 2009), toàn tỉnh đã xảy ra 18 vụ tai nạn lao động làm chết và bị thương 33 người, tập trung chủ yếu ở các loại hình doanh nghiệp khai thác khoáng sản, lâm sản, xây dựng…
 
P.V: Trước thực trạng trong các doanh nghiệp vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn lao động. Vậy xin ông cho biết trong thời gian tới các ngành chức năng của tỉnh sẽ có những giải pháp quan trọng nào để phòng ngừa tai nạn lao động?
 
Ông Nguyễn Thanh Thủy: Nhằm giảm thiểu tai nạn lao động trong các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên đại bàn tỉnh, đồng thời để thiết thực hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ – PCCN năm 2010 thì cần tiến hành một số giải pháp sau:
 
Trước hết, cần tăng cường sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan truyền thông đối với công tác ATVSLĐ nói chung và trong lĩnh vực khai thác khoáng sản nói riêng nhằm nâng cao và làm chuyển biến nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động thông qua các hoạt động thông tin, tuyên truyền, huấn luyện cho người sử dụng lao động, người lao động và cho cán bộ quản lý về ATVSLĐ.
 
Bên cạnh đó cần rà soát hệ thống các chính sách, các quy định về ATVSLĐ, trong đó có lĩnh vực khai thác khoảng sản, cụ thể là: Xử phạt vi phạm an toàn trong khai thác khoáng sản; trình UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về tuyên truyền và tăng cường công tác an toàn trong các doanh nghiệp; đề nghị rút giấy phép đối với những doanh nghiệp không chấp hành nghiêm túc những quy định về an toàn; không cấp giấy phép hoạt động cho những doanh nghiệp chưa có giải pháp đảm bảo an toàn.
 
Nhà nước nên có sự đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho công tác ATVSLĐ. Trước mắt là đảm bảo kinh phí cho tuyên truyền, cho Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ – PCCN, đầu tư các trang, thiết bị phục vụ kiểm tra, kiểm định của các cơ quan quản lý và hỗ trợ kinh phí cho chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, ATVSLĐ đến năm 2015.
 
Các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản cần quan tâm đầu tư trang bị bảo hộ lao động theo quy định cho người lao động, nghiêm túc thực hiện quy trình, quy chuẩn về ATVSLĐ vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và trách nhiệm của doanh nghiệp.
 
Ngoài ra, cần thường xuyên thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khai thác khoáng sản và doanh nghiệp có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; yêu cầu kỷ luật, sa thải những lao động không có ý thức chấp hành các quy định, coi thường tính mạng bản thân trong quá trình lao động ở môi trường dễ có nguy cơ rủi ro và kiên quyết đình chỉ những doanh nghiệp có nguy cơ sảy ra tai nạn, sự cố nghiêm trọng về ATVSLĐ.
 
PV: Xin cảm ơn ông!