Trong vụ, tổng diện tích gieo trồng ước đạt: 5.511,24/5.441ha, đạt 101,3% so với kế hoạch, tăng 2,51% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt ước đạt: 23.992 tấn, đạt 104,8% so với kế hoạch, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Cây ăn quả có múi toàn huyện hiện có 1.521,5 ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 23.000 tấn. Hiện nay, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi da xanh, cam đang bắt đầu vào vụ thu hoạch, dự kiến thu hoạch rộ vào tháng 11 - 12. Uỷ ban nhân dân huyện đã triển khai thực hiện hỗ trợ vật tư (túi bọc quả, phân bón, tro hữu cơ, ....) cho 26,8ha bưởi của 02 hợp tác xã (HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc; HTX dịch vụ tổng hợp và phát triển nông thôn Bình Minh) và Tổ hợp tác trồng bưởi sạch xóm Tân Hương 1 nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản phẩm bưởi.
Việc áp dụng cơ giới hóa trong làm đất lúa và cây màu đạt tỷ lệ cao trên 80% trong đó đối với lúa trên 90%; cây màu đạt trên 75%.Tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch lúa tiếp tục tăng đạt trên 30%. Biện pháp tưới chủ động tiên tiến, tiết kiệm nước (tưới phun, tưới nhỏ giọt) kết hợp bổ sung phân bón tiếp tục được phổ biến rộng rãi tại các xã Thanh Hối, Tử Nê, Thị trấn Mãn Đức,...đã góp phần tích cực hạn chế tình trạng hạn hán. Các địa phương tiếp tục thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường, với những loài cây có giá trị kinh tế cao như ớt, chanh leo, bí, dưa. Trong vụ Mùa - Hè thu năm 2023 toàn huyện chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, không chủ động nước sang trồng các cây màu khác như ngô, bí xanh, ớt….theo hình thức luân canh cây trồng được trên 630 ha. Các chuỗi liên kết trong sản xuất trồng trọt ngày càng đa dạng và mở rộng quy mô; vùng nguyên liệu mía ăn tươi phục vụ xuất khẩu tại xã Mỹ Hoà quy mô năm 2023 từ 10 - 20ha; liên kết xây dựng vùng nguyên liệu trồng ớt tại xã Mỹ Hoà, Nhân Mỹ quy mô từ 10-20ha; chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ xuất khẩu bưởi đỏ với quy mô khoảng 50ha.
Quy mô đàn vật nuôi được duy trì ổn định, sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường; đa số các loại vật nuôi có tổng đàn và sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Tổng đàn trâu ước tính 16.821 con đạt 100,7% so với kế hoạch năm, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 518,5 tấn; đàn bò ước tính 10.956 con đạt 103,4% so với kế hoạch năm, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 316,5 tấn; đàn lợn ước tính 40.822 con đạt 94,9% so với kế hoạch năm, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 6.089 tấn; Đàn gia cầm ước tính 1.014,9 con đạt 81,1% so với kế hoạch năm, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 1.547,4 tấn; Đàn dê 4.882 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 21 tấn.
Tiếp tục duy trì mô hình thế mạnh là nuôi cá lồng trên lòng hồ Sông Đà, toàn huyện hiện có 139,56 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, số lồng nuôi cá là 760 lồng. Tổng sản lượng thủy sản trên toàn huyện ước đạt 622,9 tấn đạt 37,75% so với kế hoạch, tăng 3,15% so với cùng kỳ.
Từ đầu năm tới nay, huyện đã tiến hành gieo ương cây giống lâm nghiệp khoảng 1.500.000 cây giống các loại; trồng rừng sau khai thác và trồng mới ước đạt 872ha/450 ha đạt 193,7% so với kế hoạch, tăng 40,6% so với cùng kỳ; khai thác được trên 912 ha rừng trồng tập trung với khối lượng 82,457m3, khai thác cây phân tán trên 458m3.
Kế hoạch sản xuất vụ Đông 2023 là 560ha gồm: 250 ha ngô trong đó đẩy mạnh sản xuất ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi, sản xuất theo chuỗi liên kết; 278 ha rau đậu các loại tập trung trồng loại rau cải các loại, bắp cải, su hào, bí xanh, bí đỏ...; 32 ha khoai lang. Tính đến thời điểm báo cáo diện tích ngô đông đạt khoảng 118,8ha; rau đậu các loại đạt khoảng 109ha; khoai lang đạt khoảng 11ha. Hiện nay người dân vẫn đang tiếp tục làm đất và gieo trồng cây vụ Đông.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại và đảm bảo thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất vụ Đông xuân năm 2023 - 2024 cần tập trung chỉ đạo tăng cường công tác theo dõi, dự tính dự báo thời tiết, tăng cường công tác điều tiết thủy lợi phục vụ sản xuất, sử dụng hợp lý nguồn nước tưới bảo đảm phục vụ cho làm đất và tưới cho lúa và cây màu. Huyện chủ trương thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách linh hoạt và hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới. Lựa chọn cơ cấu giống cây trồng hợp lý, thích hợp với từng địa phương, vùng sinh thái; ưu tiên sử dụng những giống năng suất, chất lượng cao; không đưa quá nhiều hoặc quá ít giống vào cơ cấu nhằm hạn chế rủi ro của biến đổi khí hậu. Ngay từ đầu vụ các địa phương cần tập trung chỉ đạo chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn; tăng cường chuyển giao kỹ thuật, đầu tư thâm canh và quản lý chất lượng giống, vật tư, phân bón đảm bảo an toàn phục vụ sản xuất. Chủ động phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết, kiểm soát, xử lý triệt để dứt điểm các ổ dịchTả lợn Châu phi, không để lây lan trên diện rộng. Tăng cường công tác thúc đẩy sản xuất, xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản tại địa phương.
Vụ Đông xuân 2023 - 2024 phấn đấu gieo trồng: 7.500 ha; Duy trì tổng đàn trâu, bò: 27.500 con (đàn trâu: 16.700 con; đàn bò: 10.800 con), đàn lợn: 40.500 con; đàn gia cầm: 1.000.000 con, đàn dê: 4.500 con. Chú trọng phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản. Ổn định diện tích nuôi trồng thuỷ sản: 139ha; duy trì số lồng cá: 760 lồng. Sản lượng thủy sản đạt 1.260 tấn, trong đó: sản lượng nuôi trồng đạt 1.050 tấn, sản lượng khai thác đạt 210 tấn. Chuẩn bị giống cây trồng phục vụ công tác trồng rừng năm 2024. Kế hoạch trồng rừng sau khai thác đạt 450 ha. Tập trung khắc phục các công trình hồ, đập, kênh mương bị thiệt hại do mưa lũ, đảm bảo duy trì nguồn nước phục vụ tưới 80% diện tích gieo cấy lúa và một phần diện tích cây màu. Thực hiện tốt công tác điều tiết nước hợp lý, đảm bảo tiết kiệm nước nhưng vẫn phục vụ nhu cầu cơ bản về nước tưới cho sản xuất. Triển khai chiến dịch toàn dân làm thuỷ lợi, chủ động chống hạn bằng nhiều biện pháp. Rà soát, đôn đốc các xã đăng ký về đích năm 2024 hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận đối với các xã đủ tiêu chuẩn; thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao năng lực hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp, phát triển kinh tế trang trại; hướng dẫn công nhận và nâng cấp hạng sao cho các sản phẩm OCOP.