Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định đời sống nông dân, Huyện uỷ Tân Lạc ban hành Nghị quyết số 12-NQ/HU ngày 18/4/2014 về “Đưa cây trồng hàng năm vào diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, giai đoạn 2014-2020”. Ngay sau đó, Nghị quyết đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, tạo được sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện cơ bản hoàn thành chuyển diện tích ruộng 1 vụ lên thành 2 - 3 vụ; ổn định quy hoạch diện tích đất trồng lúa, triển khai chuyển diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. Kết hợp giữa chuyển đổi cơ cấu cây trồng với tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân. Tính đến nay, diện tích đất gieo trồng của huyện bình quân hàng năm đạt 13.562 ha; trong đó, đất trồng lúa 4.768 ha. Tổng giá trị ngành trồng trọt đạt 520,3 tỷ đồng, chiếm 71,2% trong cơ cấu nông nghiệp. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 41.000/43.440 tấn, bình quân lương thực đầu người 478 kg/năm.
Bên cạnh đó, huyện Tân Lạc tập trung vào việc xây dựng quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc, nâng cao chất lượng đàn trâu, bò và nhân rộng mô hình chăn nuôi trâu bò vỗ béo; phát triển diện tích trồng cỏ cao sản, ngô đông, ngô dày phục vụ chăn nuôi. Tổng diện tích cỏ cao sản bình quân hàng năm đạt 316,2 ha, ngô vụ đông đạt 55 ha, chủ yếu tập trung ở các xã vùng thấp của huyện. Tình hình chăn nuôi của huyện phát triển khá ổn định, giá trị thu nhập từ chăn nuôi trong nông nghiệp ngày càng tăng. Trong 5 năm, tổng đàn trâu duy trì ổn định 14.000 con, đàn bò 8.000 con, đàn lợn 40.000 con và đàn gia cầm là 500.000 con. Sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển cả về quy mô, chất lượng, kỹ thuật nuôi trồng tiên tiến đã được áp dụng ở nhiều nơi trên địa bàn huyện. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản từ 114,8 ha lên 130 ha, số lồng nuôi cá tăng từ 183 lồng lên 220 lồng. Đến năm 2015, giá trị chăn nuôi thủy sản đạt 233,7 tỷ đồng, chiếm 29,3% trong cơ cấu nông lâm nghiệp, thủy sản.
Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế từng vùng để tạo ra các nông sản hàng hoá có giá trị kinh tế cao, Huyện uỷ chỉ đạo các cấp uỷ tiếp tục lãnh đạo thực hiện các Nghị quyết số 10-NQ/HU ngày 10/7/2013 về “Phát triển sản xuất bưởi đỏ, bưởi da xanh trên địa bàn huyện, giai đoạn 2013-2020”. Nhờ vậy, ngành trồng trọt của huyện đã dần chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, sang từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung như: cây su su tại các xã vùng cao đạt 47,4 ha, trong đó trên 10 ha rau su su sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam tại xã Quyết Chiến; cây mía tại các xã vùng thượng; cây bí xanh, bí đỏ, dưa hấu phát triển tại các xã vùng thấp... Đặc biệt, diện tích cây bưởi đỏ, bưởi da xanh phát triển mạnh tại hầu hết các xã vùng thấp, với tổng diện tích đạt 435,7 ha. Giá trị thu nhập cây su su đạt bình quân 180 triệu đồng/ha/năm; cây bí, dưa hấu đạt 175 triệu đồng/ha/năm; cây bưởi đỏ, bưởi da xanh 700 triệu đồng/ha. Từ đó mở ra hướng phát triển ngành nông nghiệp của huyện một cách bền vững với những sản phẩm có chất lượng và giá trị kinh tế cao. Cơ chế liên kết “4 nhà” được khuyết khích, nhân rộng. Một số công ty, doanh nghiệp đã đầu tư, liên kết hợp đồng sản xuất, hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quảng bá, bao tiêu sản phẩm với nông dân, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động, đóng góp đáng kể cho sự phát triển KT-XH của huyện. .
Các sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu Tân Lạc hiện đã có mặt tại thị trường trong và ngoài tỉnh. Với hướng đi hiệu quả này, kinh tế nông nghiệp huyện Tân Lạc đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi, đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường và góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn ở địa phương./.