DetailController

Tin từ các đơn vị

Tân Lạc: Tập trung phát triển du lịch các xã vùng cao

10/06/2022 00:00
Các xã vùng cao huyện Tân Lạc gồm: Vân Sơn, Quyết Chiến và Ngổ Luông, cách trung tâm huyện khoảng 20 km về phía Tây, có diện tích tự nhiên 12.038 ha, dân số 8.700 người. Nơi đây sở hữu nguồn tài nguyên đa dạng, tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa đặc sắc, phong phú, hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển du lịch.
Huyện Tân Lạc chủ trương phát triển du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Hoạt động du lịch các xã vùng cao huyện Tân Lạc mới chỉ thực sự được bắt đầu từ năm 2019. Tháng 7 năm 2019, tổ chức AOP (Tổ chức phi chính phủ của Australia) đã hỗ trợ triển khai dự án cải thiện sinh kế bền vững thông qua phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Tân Lạc, và lựa chọn xóm Chiến (xã Vân Sơn) để xây dựng điểm du lịch cộng đồng. Mặc dù mới khai thác hoạt động du lịch trong vài năm trở lại đây, tuy nhiên du lịch các xã vùng cao huyện Tân Lạc cũng đã bước đầu đạt được một số thành tựu bước đầu đáng khích lệ. Năm 2019 ước có khoảng trên 10 nghìn lượt khách du lịch tới với các xã vùng cao huyện Tân Lạc, trong đó có khoảng 30% (3.000) lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú; còn lại là khách tham quan trong ngày. Doanh thu từ hoạt động du lịch mang lại trong năm 2019 khoảng 2,5 tỷ đồng.

Theo phân tích các nguồn thu chính gồm: Thu từ khách lưu trú và sử dụng các dịch vụ kèm theo như ẩm thực, văn nghệ, thuê xe đạp, mua đặc sản, nông sản; thu từ khách thăm quan chủ yếu là mua các mặt hàng nông sản địa phương (rau, củ, quả, măng rừng). Các sản phẩm du lịch đang được khai thác tại các xã vùng cao huyện Tân Lạc chủ yếu là du lịch cộng đồng, du lịch gắn với nông nghiệp nông thôn và du lịch khám phá thiên nhiên. Du lịch cộng đồng chủ yếu gắn với cộng đồng người Mường tại xóm Chiến (xã Vân Sơn). Du lịch gắn với nông nghiệp nông thôn chủ yếu gắn với các vườn cây ăn trái và các cánh đồng rau, củ, quả trái vụ thuộc xã Vân Sơn, Quyết Chiến. Du lịch khám phá thiên nhiên gắn với thăm quan, thắng cảnh núi, rừng, hang động (hang Núi Kiến, động Nam Sơn), thác nước (thác Thung), check-in, leo núi, săn mây tại đỉnh Lũng Vân, khám phá thiên nhiên tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông.

Thời gian qua, tỉnh và huyện đã quan tâm và tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất nhằm phát triển du lịch cho các xã. Nhiều tuyến đường giao thông được xây dựng, tu sửa, nâng cấp như: Tuyến đường tỉnh lộ 440 nối quốc lộ 6 (tại ngã ba chợ Lồ) với các xã vùng cao; đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn đi Tân Lạc (qua địa bàn các xã vùng cao); đường 312A kết nối các xã vùng cao huyện Tân Lạc với huyện Mai Châu (Hòa Bình) và huyện Bá Thước (Thanh Hóa) và một số tuyến đường liên xã, liên thôn đã được nâng cấp, bê tông hóa. Nhiều cơ sở lưu trú đã được xây dựng và đang tiếp tục được đầu tư thực hiện như: Dự án Khu nghỉ dưỡng sinh thái và bảo tồn thiên nhiên Thung Lũng Mây; dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Lũng vân Ecolodge; dự án Khu du lịch Sinh thái - Văn hoá cộng đồng và bảo tồn tự nhiên xóm Chiến.

Bên cạnh đó các hộ gia đình trên địa bàn các xã cũng đã tích cực tham gia vào hoạt động du lịch. Tại xóm Chiến xã Vân Sơn hiện có 3/74 hộ gia đình kinh doanh dịch vụ homestay, 14/74 hộ tham gia các hoạt động phục vụ khách du lịch như: tham gia nhóm văn nghệ, nhóm phục vụ ăn uống, hướng dẫn viên, cho thuê phương tiện, bán hàng… tổng số người dân tham gia hoạt động du lịch khoảng 70 người. Tại xóm Chiềng và mộ số xóm khác tại xã Vân Sơn cũng đã có một số hộ đang chuẩn bị các điều kiện để tham gia kinh doanh homestay.

Tuy nhiên, du lịch các xã vùng cao huyện Tân Lạc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Hạ tầng giao thông chưa được phát triển đồng bộ, đi lại khó khăn; hạ tầng cấp nước sạch, hệ thống xử lý rác thải, nước thải, nhà vệ sinh công cộng còn thiếu; cơ sở lưu trú rất ít (chỉ có 03 hộ kinh doanh homestay), chưa có cơ sở lưu trú nghỉ dưỡng cao cấp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải trí, mua sắm cũng rất hạn chế; nhiều điểm tài nguyên hấp dẫn, có tiềm năng chưa được đầu tư khai thác….Thị trường nội địa hiện đang thị trường chính của du lịch các xã vùng cao huyện Tân Lạc (chiếm 97%), trong đó có khoảng 30% (3.000) lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú; còn lại là khách tham quan trong ngày. Thị trường khách quốc tế chưa nhiều do hoạt động du lịch các xã vùng cao mới được khai thác, chưa có nhiều khách quốc tế biết đến.

Đảng bộ huyện Tân Lạc xác định phát triển du lịch trên địa bàn các xã vùng cao huyện là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và người dân. Do đó cần tập trung phát triển du lịch vùng cao huyện theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng về du lịch đồng thời đảm bảo bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nhiên, bảo vệ môi trường; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc vùng cao. Thời gian tới cần tập trung huy động nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư của nhà nước, nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp và trong Nhân dân để phát triển du lịch, nhất là đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch; giao thông kết nối liên vùng, các điểm dừng chân, bãi đỗ phương tiện. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật viễn thông, điện, công nghệ thông tin; hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải và vệ sinh môi trường... ở các điểm du lịch; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, các khu vui chơi giải trí, ưu tiên xây dựng các cơ sở đạt tiêu chuẩn cao cấp hỗ trợ cải tạo nâng cấp các điểm du lịch cộng đồng. Chú trọng trồng rừng,bảo vệ rừng, phát triển rừng tự nhiên, trồng cây xanh, trồng hoa, tạo cảnh quan hấp dẫn, bản sắc, dọc các tuyến đường, các  điểm tham quan, du lịch. Tích cực xúc tiến, quảng bá du lịch. Tập trung phát triển 03 dòng sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nông nghiệp nông thôn. Đồng thời, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch khác, đáp ứng nhu cầu của thị trường./.