DetailController

Văn hóa

Tân Lạc sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 03 về phát triển du lịch

06/05/2020 00:00

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU, ngày 21/7/2016 của BCH Đảng bộ huyện Tân Lạc về “Phát triển du lịch huyện Tân Lạc giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, tính đến nay, có 4/5 chỉ tiêu cơ bản đạt theo tiến độ, đó là tăng trưởng du lịch, tổng thu nhập từ du lịch, cơ sở lưu trú, giải quyết việc làm cho người lao động từ phát triển du lịch.

Huyện Tân Lạc chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch mang tính địa phương nhằm thu hút du khách.

Trong giai đoạn này, bình quân tăng trưởng du lịch đạt khoảng 32%, đạt 95% chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Trong đó tăng trưởng về lượt khách đạt 16,6%, tăng trưởng về thu nhập đạt khoảng 37,2%, tăng trưởng về lao động đạt 42,3%.

Về tổng thu nhập từ du lịch: Năm 2016, tổng thu nhập du lịch của huyện đạt trên 18 tỷ đồng; năm 2017 tổng thu nhập du lịch đạt trên 19,7 tỷ đồng; năm 2018 tổng thu nhập du lịch đạt 30,1 tỷ đồng; năm 2019 tổng thu nhập du lịch đạt 45 tỷ đồng, tăng 27 tỷ đồng so với năm 2016, đạt 76,3% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra trong giai đoạn 2016 – 2020.

Toàn huyện có 270 phòng lưu trú, đạt 76,3% so với chỉ tiêu Nghị quyết đến năm 2020; trong đó có 02 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao với 71 phòng; 07 cơ sở lưu trú với 73 phòng luôn đảm bảo các tiêu chuẩn về lưu trú cho khách. Ngoài ra trên địa bàn huyện đã phát triển 04 điểm du lịch cộng đồng với trên 18 hộ dân đang kinh doanh du lịch cộng đồng hình thức homestay. Đã giải quyết việc làm cho trên 700 lao động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có 284 lao động trực tiếp, 260 lao động gián tiếp, đạt 71% so với chỉ tiêu Nghị quyết đến năm 2020.

Huyện đã tích cực tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, thu hút các nhà đầu tư vào huyện. Tính đến nay, trên địa bàn huyện đã thu hút được 10 dự án đang trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, xây dựng dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch; trong đó, có 5 dự án được UBND tỉnh quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng vốn trên 1.829 tỷ đồng. Ngoài ra, còn 5 dự án còn lại đang trong quá trình thẩm định, xin ý kiến và trình phê duyệt chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó huyện đã xây dựng và phát triển được các sản phẩm du lịch tại địa phương như: loại hình sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá hang động, cảnh quan, du lịch văn hóa – tâm linh. Quân tâm xây dựng và quản lý tốt các điểm dừng chân cho du khách trên quốc lộ 6 đi qua địa bàn. Huyện cũng đã xây dựng được các sản phẩm du lịch như du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; du lịch văn hóa – lễ hội; du lịch nghỉ dưỡng – sinh thái.

Tuy nhiên, công tác huy động nguồn lực còn hạn chế; nhận thức một bộ phận người dân về phát triển du lịch còn chưa đầy đủ, ý thức, kỹ năng của người dân làm du lịch còn hạn chế. Các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn; lực lượng lao động trực tiếp được đào tạo chuyên ngành du lịch còn ít; hệ thống cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu. Hoạt động thông tin, giới thiệu, quảng bá, xúc tiến du lịch, mở rộng thị trường phát triển du lịch chưa được đẩy mạnh; công tác xã hội hóa hoạt động du lịch còn yếu; doanh thu từ hoạt động phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng của huyện.

Xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng và trọng tâm, thời gian tới huyện tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 03 của BCH Đảng bộ huyện, Nghị quyết số 10 của BTV Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tập trung phát triển đa dạng các loại hình và sản phẩm du lịch, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tăng nhanh tỷ trọng du lịch trong cơ cấu kinh tế, tiến tới xây dựng và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tôn tạo cảnh quan, hỗ trợ các hộ dân tại các địa bàn trọng điểm có trong quy  hoạch phát triển du lịch như: nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái gắn với các hình thức thăm quan làng xóm, nghỉ homestay, tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc nhằm thu hút các nhà đầu tư vào phát triển du lịch trên địa bàn. Quan tâm đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn phát triển du lịch với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế của huyện. Phát triển và nhân rộng các điểm du lịch cộng đồng; đồng thời gắn nhiệm vụ phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp với phát triển du lịch nhằm tạo ra các sản phẩm nông sản đảm bảo về tiêu chuẩn, an toàn phục vụ cho phát triển du lịch. Phấn đấu mỗi xã xây dựng ít nhất một sản phẩm để phục vụ phát triển du lịch./.