DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Tân Lạc: Sau 3 năm đưa cây trồng hằng năm vào diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả

22/11/2017 00:00
Ngày 18/4/2014, Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Lạc ban hành Nghị quyết số 12-NQ/HU về “đưa cây trồng hằng năm vào diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả huyện Tân Lạc giai đoạn 2014 - 2020”. Sau 3 năm triển khai, thực hiện, có thể nói Nghị quyết đã tạo bước đột phá về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ trên diện tích gieo trồng, trong đó có diện tích trồng lúa theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo động lực đẩy mạnh nhịp độ phát triển nông nghiệp đáp ứng yêu cầu tăng giá trị và bền vững.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy có sự tập trung đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, tinh thần Nghị quyết đã được quán triệt, triển khai đầy đủ, kịp thời đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đại đa số nhân dân hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng về vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Nhân dân phấn khởi, tin tưởng và đồng tình hưởng ứng, góp phần quan trọng trong việc đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.

3 năm qua, diện tích hằng năm được đưa vào diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả trên địa bàn huyện tăng lên đáng kể, chủ yếu được thực hiện theo hình thức luân canh lúa- màu- lúa. Năm 2014, diện tích cây hằng năm được đưa vào diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả là 659 ha, đến năm 2015 diện tích được chuyển đổi là 868 ha, tăng 209 ha so với năm 2014, trong đó diện tích trồng ngô: 343 ha, lạc: 50 ha, mía: 234 ha, bí xanh 18 ha, dưa hấu 8 ha, còn lại là cây hằng năm khác. Năm 2016, tổng diện tích là 750 ha, trong đó: diện tích ngô 389 ha, mía 153 ha, lạc 63 ha, còn lại là cây hằng năm khác. Năm 2017, tổng diện tích chuyển đổi là 785 ha, trong đó diện tích ngô 362 ha, mía 168 ha, khoai lang 180 ha, còn lại là các loại cây trồng khác. Với diện tích tăng lên đáng kể như vậy nhưng diện tích cây hằng năm được đưa vào diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả trên địa bàn huyện không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại khi cần thiết, không có trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng trong đất nông nghiệp.

Việc đưa cây hằng năm vào diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả trên địa bàn huyện tập trung chủ yếu vào các mô hình trồng cây lấy hạt, mô hình sản xuất rau an toàn, mô hình trồng cây ăn quả ngắn ngày như: mía, dưa chuột Nhật, mướp đắng lấy hạt, bí đỏ, bí xanh, khoai lang... Đây là những mô hình đã và đang triển khai thực hiện trong toàn huyện đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa. Do làm tốt công tác chuyển giao kỹ thuật. Năng suất cây trồng cũng tăng lên đáng kể. Năng suất lúa trên đất kém hiệu quả trung bình từ 35 - 40 tạ/ha, giá trị trên 1 ha canh tác ước đạt từ 42- 48 triệu đồng/ha/năm, khi chuyển đổi trồng mía cho thu nhập bình quân từ 180 - 200 triệu/ha/năm; trồng cây lấy hạt (mướp đắng, bí đỏ, dưa...) cho thu nhập bình quân từ 250 -300 triệu/ha/năm; cây khoai lang cho thu nhập từ 100 - 130 triệu/ha/năm.

Đến nay, đa số nông dân đã mạnh dạn đầu tư thâm canh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây hằng năm vào diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân. Giúp người nông dân khai thác hiệu quả các diện tích đất đai, bằng cách chuyển sang trồng những loại cây trồng chịu hạn, sử dụng ít nguồn nước và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa. Bước đầu đã thu hút doanh nghiệp tham gia vào sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản trên địa bàn.

Với những kết quả bước đầu đó, từ nay đến năm 2020, Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Lạc tăng cường lãnh đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy, các cấp chính quyền tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các diện tích trồng cây hằng năm vào diện tích đất lúa kém hiệu quả trên địa bàn huyện, không để người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng trong đất nông nghiệp nuôi trồng thủy sản, trồng các loại cây lâu năm trên đất lúa. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, thực hiện các mô hình thử nghiệm, xây dựng các mô hình sản xuất trong các vùng, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng các cơ sở bảo quản sản phẩm nông sản của nhân dân sau thu hoạch để tăng giá trị sản phẩm hàng hóa. Quan tâm cải tạo hệ thống mương tưới, mương tiêu, đặc biệt là hệ thống mương tiêu tại khu vực đất lầy thụt nhằm cải tạo tính chất lý hóa của đất, nâng cấp giao thông nội đồng nhằm tạo điều kiện để người dân áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Tăng cường liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, phát triển sản xuất theo hướng bền vững, đồng thời có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia tiêu thụ sản phẩm.