DetailController

Thời sự trong ngày

Tân Lạc: Phát triển sản xuất gắn với xúc tiến thương mại và thúc đẩy xuất khẩu

19/11/2022 00:00
Thực hiện chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản và thúc đẩy xuất khẩu năm 2022, huyện Tân Lạc đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, tạo thuận lợi cho chương trình được triển khai nhanh chóng, hiệu quả.
HTX sản xuất rau an toàn Quyết Chiến thu hoạch củ cải- cây trồng có giá trị kinh tế khá và phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của xã

Trong năm, đã tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi và ứng dụng công nghệ 4.0 trong phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng; Hỗ trợ liên kết tiêu thụ một số sản phẩm như bưởi, mía, cây dược liệu, cây rau; Hỗ trợ phân bón cải tạo đất chuyên trồng lúa nước tại 04 xã Ngọc Mỹ, Phong Phú, Phú Cường, Ngổ Luông; Hỗ trợ giống vật nuôi cho 10 hộ tại xã Quyết Chiến - thực hiện mô hình chăn nuôi gà thịt thương phẩm theo VietGAHP. Ngoài ra, triển khai các văn bản về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; bảo hiểm nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất.

Đối với thị trường trong nước, huyện đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ các HTX trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ Bưởi đỏ Tân Lạc, rau an toàn Quyết Chiến; hỗ trợ liên kết ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm rau giữa Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Quyết Chiến với Tập đoàn FPT. Phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh tiến hành đánh giá quy trình sản xuất rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã rau củ quả xã Nhân Mỹ, diện tích gieo trồng khoảng 15ha, cây trồng chủ yếu của HTX là bí xanh, dưa chuột, mướp đắng,...Phối hợp với Liên Minh HTX tỉnh Hòa Bình hỗ trợ liên kết Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông nghiệp 0789 ký biên bản ghi nhớ với Công ty cổ phần dược phẩm Lovefarm Organic về triển khai trồng cây dược liệu (cây nghệ đen) với diện tích là 5ha, HTX triển khai trồng tại xã Ngổ Luông.

Đối với thị trường nước ngoài, huyện phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh kiểm tra, đánh giá vùng trồng để đề nghị cấp mã số xuất khẩu sang thị trường EU cho 06 vùng trồng bưởi với tổng diện tích là 153ha; hỗ trợ liên kết ký Thỏa thuận hợp tác về việc phát triển chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm Bưởi đỏ Hòa Bình trên địa bàn huyện Tân Lạc giữa Công ty Cổ phần nông nghiệp hữu cơ Fusa với các Hợp tác xã, tổ hợp tác trồng cây bưởi của huyện; hỗ trợ liên kết giữa Hợp tác xã dịch vụ và phát triển nông, lâm nghiệp, nông thôn Tùng Dương, Công ty TNHH Tiến Ngân và Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ FUSA xuất khẩu mía đã qua sơ chế sang thị trường EU.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Tân Lạc có 01 sản phẩm xuất khẩu sang thị trường nước ngoài là mía. Sản lượng xuất khẩu là 49 tấn sang thị trường EU. Năm 2022, đã được Cục bảo vệ thực vật cấp 06 mã số vùng trồng xuất khẩu bưởi sang thị trường Châu Âu; có 01 mã cơ sở đóng gói quả tươi. Dự kiến cuối năm 2022 xuất chuyến hàng đầu tiên đối với sản phẩm bưởi Tân Lạc.

Nhờ đó, kết quả của ngành nông nghiệp huyện trong năm 2022 cơ bản đạt được chỉ tiêu đặt ra với diện tích canh tác lúa trên 4.200 ha, diện tích gieo trồng lúa 2 vụ/năm ước đạt 4.800 ha/năm, sản lượng năm 2022 đạt 27,1 nghìn tấn, đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng và một phần cung cấp cho thị trường bên ngoài. Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở khâu làm đất đạt 99,5%, khâu chăm sóc (tưới nước, phun thuốc) đạt khoảng 90%; khâu thu hoạch đạt khoảng 25%.

Toàn huyện hiện có trên 1.500 ha cây ăn quả có múi, diện tích kinh doanh đạt 1.420 ha, tổng sản lượng ước đạt 22,2 nghìn tấn; đến nay toàn huyện có trên 240 ha cây ăn quả có múi đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; có 01 cơ sở sơ chế, đóng gói của Hợp tác xã sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc; 03 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn ba sao (Cam bưởi sạch của HTX Sơn Hoa; Bưởi đỏ Giang Lộc của HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc; Bưởi hữu cơ Tân Đông của HTX trồng bưởi hữu cơ và DVNN Tân Đông); có 11 Hợp tác xã và 06 tổ hợp tác tham gia sản xuất cây ăn quả có múi, trong đó có 03 HTX có liên kết tiêu thụ sản phẩm; có 140,5ha bưởi được cấp mã vùng trồng (06 mã).

Tổng diện tích gieo trồng rau các loại năm 2022 đạt trên 1.000ha, sản lượng đạt trên 11 nghìn tấn. Trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất rau tập trung như: Vùng trồng rau su su, củ cải, bí xanh, bí đỏ, trồng dưa chuột, lặc lày, khoai tây... Sản xuất rau đã hình thành một số mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như: rau su su, củ cải; mướp đắng, bí đỏ lấy hạt; mô hình sản xuất rau đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP như bí xanh, lặc lày…, thu nhập đạt từ 100 - 300 triệu đồng/ha/năm. Hiện trên toàn huyện 03 cơ sở được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP với diện tích trên 60 ha rau các loại.

Một số cây trồng khác như chè, sắn, cây dược liệu đều duy trì diện tích và sản lượng tốt, cho hiệu quả kinh tế khá và bảo vệ môi trường sinh thái.

Ngành chăn nuôi của huyện đang từng bước chuyển đổi, tổ chức sản xuất chăn nuôi chuyển đổi từ hình thức quảng canh, nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung an toàn sinh học, tăng tỷ trọng chăn nuôi gia trại, trang trại và công nghiệp. Tới nay toàn huyện có 03 trại chăn nuôi lợn; 03 trại chăn nuôi bò quy mô từ 30 – 50 con. Lâm nghiệp, thủy sản có bước tăng trưởng khá, góp phần tạo việc làm tại chỗ và gia tăng thu nhập cho người dân.

Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách linh hoạt và hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới. Lựa chọn cơ cấu giống cây trồng hợp lý, thích hợp với từng địa phương, vùng sinh thái; ưu tiên sử dụng những giống năng suất, chất lượng cao; không đưa quá nhiều hoặc quá ít giống vào cơ cấu nhằm hạn chế rủi ro của biến đổi khí hậu. Nhân rộng kết quả thành công các mô hình trên địa bàn. Xây dựng phương án chủ động ứng phó với những bất thường của thời tiết; điều tiết, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Tăng cường công tác thúc đẩy sản xuất, xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản tại địa phương. Tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa vào sản xuất. Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất. Phối hợp triển khai có hiệu quả chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; thu hút doanh nghiệp phát triển nhà máy biến biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu có thế mạnh của huyện. Chủ động kết nối giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cây có múi của tỉnh; tổ chức, tham gia các chương trình, hội nghị kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành phố thiết lập các kênh phân phối và mở rộng thị trường tiêu thụ…/.